Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Báo động thói quen ăn uống không hợp lý ảnh hưởng đến sức khoẻ

Cập nhật: 25/5/2017 | 8:12:01 AM

Chế độ dinh dưỡng có ảnh hưởng rất lớn đến việc phòng, chống cũng như điều trị bệnh. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người có chế độ, thói quen ăn uống không hợp lý hoặc là ăn kiêng quá mức dẫn đến những ảnh hưởng không tốt cho sức khoẻ.

KIÊNG HAY KHÔNG KIÊNG

Chị Nguyễn Thị Nga, quê ở Đông Triều, tạm trú tại TP Hạ Long làm nghề mua bán phế liệu. Công việc của chị thường phải đi khắp các ngõ xóm trong thành phố, nên đến bữa chị ăn uống qua loa, khi thì cái bánh mì, lúc là gói xôi, cơm hộp. Chỉ sau mấy tháng, chị Nga thấy sút cân, mệt mỏi, có biểu hiện đau dạ dày. Từ đó, chị chịu khó dậy sớm nấu cơm ăn sáng, tiện thể cho vào hộp mang đi ăn trưa. Chị cũng chịu khó cải thiện bữa ăn, “đổi bữa” với nhiều loại thức ăn, rau xanh. Ngoài cơm, chị còn mang theo nước uống đầy đủ cho cả ngày làm việc. “Bận hơn, vất vả hơn một chút nhưng tôi có bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng, sạch sẽ nên rất yên tâm. Từ ngày tự nấu cơm mang đi ăn, tôi thấy sức khoẻ mình được đảm bảo, không còn biểu hiện suy nhược nữa” - chị Nga cho biết.

Bữa ăn trưa của học sinh Trường PTDT Nội trú THCS và THPT Tiên Yên (huyện Tiên Yên). (Ảnh mang tính chất minh hoạ)
Bữa ăn trưa của học sinh Trường PTDT Nội trú THCS và THPT Tiên Yên (huyện Tiên Yên). (Ảnh mang tính chất minh hoạ)

Năm nay đã ngoài 60 tuổi, ông Nguyễn Văn Tiếp, khu 5, phường Cao Thắng, TP Hạ Long đi khám sức khoẻ định kỳ, được bác sĩ cho biết ông bị bệnh gan nhiễm mỡ, mỡ máu cao, có biểu hiện tăng huyết áp. Bác sĩ có khuyên ông nên có chế độ ăn uống hợp lý, vận động hàng ngày. Ông Tiếp chia sẻ: Tôi cũng biết là bữa ăn hàng ngày rất quan trọng, ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ. Tôi có thói quen ăn mặn, lại thích ăn nhiều thịt mỡ. Đến tuổi này rồi, nghĩ đến việc phải thay đổi thói quen, kiêng khem ăn uống cũng ngại... Trái ngược với ông Tiếp, bà Nguyễn Thị Sơn, phường Hồng Hà, TP Hạ Long lại quá kiêng khem trong ăn uống. Khi biết mình bị tiền đái tháo đường, bà Sơn tránh tất cả các loại thức ăn, đồ uống, hoa quả có tính ngọt. Thậm chí, đến cơm bà cũng ăn ít đi so với bình thường. Không ít lần, bà đã bị hạ đường huyết.

Theo bác sĩ Đỗ Thị Mai Liên, Trưởng Khoa Không lây nhiễm và Dinh dưỡng (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh), những trường hợp có chế độ dinh dưỡng không hợp lý tương tự như chị Nga, ông Tiếp, bà Sơn hiện nay không phải hiếm. Dù có bệnh hay không có bệnh nhưng chế độ ăn uống thất thường, không điều độ, không cân đối giữa các nhóm chất dinh dưỡng đều có thể khiến một người đang khoẻ mạnh dễ mắc bệnh hoặc người có bệnh sẽ bị nặng hơn...

DINH DƯỠNG CẦN HỢP LÝ

Hiện nay, chương trình dinh dưỡng được các đơn vị trực thuộc Sở Y tế như Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản, Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khoẻ cùng tham gia thực hiện. Theo đó, chương trình phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em được triển khai từ nhiều năm nay, giúp giảm đáng kể tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng. Chương trình phòng, chống thiếu vitamin A được triển khai tại 186 xã, phường; trẻ em từ 6 đến 36 tháng và bà mẹ sau sinh 1 tháng đều được uống vitamin A 2 đợt/năm. Các hoạt động truyền thông giáo dục sức khoẻ phòng bệnh không lây nhiễm, bệnh do rối loạn chuyển hoá, bệnh do dinh dưỡng không hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực được các đơn vị phối hợp thực hiện thường xuyên thông qua nhiều hình thức, như: Tuyên truyền trực tiếp cho các đối tượng đến khám; tuyên truyền tại cộng đồng; tư vấn chế độ dinh dưỡng, rèn luyện thể lực thông qua các đợt khám sàng lọc tăng huyết áp, đái tháo đường, điều tra dinh dưỡng; thông qua băng-zôn, pano, website của các đơn vị...

Nhằm thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030, Bộ Y tế đã ban hành 10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý, như: Ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm và đảm bảo đủ 4 nhóm: Chất bột, chất đạm, chất béo, vitamin và muối khoáng; phối hợp thức ăn nguồn đạm động vật và thực vật; ăn phối hợp dầu thực vật và mỡ động vật hợp lý; nên sử dụng muối iốt, không ăn mặn; cần ăn rau quả hàng ngày; đảm bảo an toàn vệ sinh trong lựa chọn, chế biến và bảo quản thực phẩm; uống đủ nước; cho trẻ bú mẹ ngay sau khi sinh, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, ăn bổ sung hợp lý và tiếp tục cho bú mẹ đến 24 tháng; trẻ sau 6 tháng và người trưởng thành nên sử dụng sữa, các sản phẩm của sữa phù hợp với từng lứa tuổi; tăng cường hoạt động thể lực, duy trì cân nặng hợp lý, không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia, nước có gas và ăn, uống đồ ngọt.

“Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, các bữa ăn được đảm bảo nhiều chất hơn trước kia, nhưng ngược lại, việc ăn uống lại dễ gây nhiều bệnh có hại cho sức khoẻ. Dinh dưỡng, vận động hợp lý, lành mạnh luôn được chúng tôi tuyên truyền, khuyến cáo đối với mỗi người dân. Tuy nhiên, số người hiểu và thực hiện được một chế độ ăn uống hàng ngày đảm bảo đủ các dưỡng chất thiết yếu không nhiều. Lời khuyên dinh dưỡng hợp lý mà Bộ Y tế đưa ra chính là cơ sở cho công tác tuyên truyền nhằm nâng cao kiến thức, giúp người dân thực hành dinh dưỡng hợp lý” - bác sĩ Đỗ Thị Mai Liên cho biết.

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Thu tục hành chính
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014