Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Phòng, chống tác hại thuốc lá: Mọi người không thể thờ ơ

Cập nhật: 18/5/2017 | 12:14:11 PM

Nhằm nâng cao nhận thức cho mọi người về tác hại của thuốc lá, từ ngày 25 đến 31-5 hằng năm, Quảng Ninh đều tổ chức các hoạt động Hưởng ứng Tuần lễ quốc gia không thuốc lá và Ngày thế giới không hút thuốc lá (31-5). Đặc biệt, từ sau khi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực (1-5-2013), công tác tuyên truyền cũng được đẩy mạnh... Tuy nhiên, chuyển biến trong nhận thức và hành động của người dân vẫn rất chậm...

Tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, biển hiệu không hút thuốc lá “No smoking” được gắn ở vị trí dễ nhìn thấy.	  Ảnh: Khánh Giang
Tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, biển hiệu không hút thuốc lá “No smoking” được gắn ở vị trí dễ nhìn thấy. Ảnh: Khánh Giang

Chuyển biến nơi công sở

Quảng Ninh được đánh giá là tỉnh triển khai sớm chương trình phòng, chống tác hại thuốc lá, trước khi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực. Thời điểm ấy, số người hút thuốc lá ở Quảng Ninh khá đông; trong đó, cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) chiếm không nhỏ. Vì thế, đi đến đâu cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh người hút thuốc lá; hút thuốc lá mọi nơi, mọi chỗ; thậm chí hút thuốc lá ngay trong phòng họp, phòng làm việc kín... làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của các cán bộ khác; nhiều tàn thuốc bỏ bừa bãi gây ô nhiễm môi trường.

Từ năm 2013, Quảng Ninh bắt đầu thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ)  phòng, chống tác hại của thuốc lá và BCĐ này liên tục được kiện toàn. Từ đây, công tác tuyên truyền; việc triển khai Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá cũng được tăng cường, tổ chức bài bản và quy mô hơn. Cùng với việc tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã được triển khai đến đội ngũ CBCCVC, người lao động trong các đơn vị hành chính sự nghiệp, gắn với nội dung trong quy chế xây dựng văn hoá, văn minh công sở. Chủ tịch Công đoàn Viên chức tỉnh Nguyễn Đức Hoạt khẳng định: “Công đoàn Viên chức tỉnh đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị xây dựng quy chế văn hoá công sở có nội dung cấm hút thuốc lá trong phòng làm việc; đưa việc vi phạm hút thuốc lá nơi công cộng vào tiêu chí thi đua phấn đấu danh hiệu “Cơ quan, đơn vị văn hoá”. Đến nay, có thể nói, việc nói không với thuốc lá trong CBCCVC, người lao động trong các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp đã có chuyển biến tích cực và đạt kết quả tốt. Tỷ lệ CBCCVC, người lao động hút thuốc lá giảm xuống còn tỷ lệ rất nhỏ”. Cũng theo chia sẻ của đồng chí Nguyễn Đức Hoạt, với chủ đề công tác năm 2017 của tỉnh là: “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh” thì việc xây dựng công sở, môi trường làm việc không khói thuốc lá đã trở thành một trong những nội dung được tiếp tục nhấn mạnh. Theo đó, từ đầu năm đến nay, Công đoàn Viên chức tỉnh đã tổ chức 2 lớp tập huấn nghiệp vụ công đoàn gắn với tuyên truyền Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá cho 285 cán bộ, đoàn viên công đoàn ở 50 sở, ngành trong toàn tỉnh. Hầu hết các cơ quan, đơn vị đều đã tổ chức cho CBCCVC, người lao động cam kết thực hiện văn hoá công sở gắn với chủ đề công tác năm của tỉnh. Nhiều công sở đã tổ chức gắn biển, pano “không hút thuốc lá” tại cổng, hành lang, phòng làm việc; đồng thời, tuyên truyền về tác hại của thuốc lá đối với kinh tế, sức khoẻ và những nội dung chính của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá cho toàn thể CBCCVC trong các buổi họp, hội nghị. Một số đơn vị còn tổ chức ký cam kết đối với từng CBCCVC không hút thuốc lá nơi làm việc, đưa việc không hút thuốc lá vào chỉ tiêu thi đua để xếp loại cuối năm; phân công cán bộ chịu trách nhiệm quản lý, giám sát, nhắc nhở CBCCVC người lao động nghiêm túc thực hiện tuyệt đối không hút thuốc lá. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị đề cao trách nhiệm cá nhân, vai trò gương mẫu của người đứng đầu trong việc phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Điển hình phong trào xây dựng công sở không khói thuốc lá là Trung tâm Hành chính công tỉnh. Không chỉ gắn biển “không hút thuốc lá” ở các vị trí làm việc mà CBCCVC ở đây còn luôn gương mẫu không hút thuốc lá; đồng thời, tuyên truyền, vận động bạn bè, đồng nghiệp, người dân khi đến làm thủ tục không sử dụng thuốc lá. Với môi trường làm việc sạch sẽ, chuyên nghiệp, hiện đại, rất nhiều người dân khi đến làm thủ tục tại đây đã không ngần ngại cất thuốc lá vào túi.

Còn nhiều “rào cản”

Mặc dù đã có những chuyển biến, nhưng quan sát thực tế có thể nhận thấy sự chuyển biến này mới chỉ ở đội ngũ CBCCVC, còn phần đông người dân, trong đó không ít người là cán bộ, người lao động trong các đơn vị doanh nghiệp... vẫn khá thờ ơ, mặc dù họ đều biết; thậm chí biết rất rõ những tác hại của việc hút thuốc lá gây ra cho bản thân và những người xung quanh. Tìm hiểu chúng tôi được biết, nguyên nhân là do công tác tuyên truyền về Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá thời gian qua cũng chưa thực sự đến được tận người dân; nhiều hoạt động tuyên truyền còn rời rạc, chưa có sức hấp dẫn; chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe. Đặc biệt, việc xử phạt đối với các hành vi hút thuốc lá nơi công cộng chưa được thực thi nghiêm túc. Và điều quan trọng nữa là không ít người không thể từ bỏ hút thuốc lá do thói quen.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Văn Khương, Giám đốc Trung tâm truyền thông giáo dục sức khoẻ, Sở Y tế; thư ký giúp việc BCĐ Phòng, chống tác hại của thuốc lá tỉnh cho biết: “Thời gian trước đây, rất nhiều hoạt động tuyên truyền đã được tổ chức, từ tập huấn; tuyên truyền Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; xây dựng các mô hình môi trường cơ quan, trường học không khói thuốc; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đến sản xuất các ấn phẩm, tài liệu truyền thông... Tuy nhiên, hiện nay theo quy định của Thông tư 58/2016/TT-BTC ngày 29-3-2016 quy định chi tiết việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, khi tổ chức các hoạt động chi từ nguồn Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá đòi hỏi rất nhiều thủ tục, giấy tờ trong hồ sơ. Điều này khiến cho việc phê duyệt các kế hoạch của Hội đồng quản lý Quỹ (thuộc Bộ Y tế) thường chậm trễ. Đơn cử như có những kế hoạch tuyên truyền, chúng tôi xây dựng, báo cáo đề nghị Hội đồng quản lý Quỹ phê duyệt từ tháng 3-2016 nhưng mãi đến tháng 11-2016 chúng tôi mới được thông qua. Khi ấy cũng hết năm, việc triển khai sẽ vô cùng khó khăn. Năm 2016, chúng tôi đã ký chương trình phối hợp với Sở GD&ĐT tổ chức 10 cuộc thi tìm hiểu về Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá trong các trường THPT trên địa bàn để giúp học sinh hiểu sâu hơn về tác hại của thuốc lá đối với sức khoẻ của chính mình và người thân nhưng cũng không thực hiện được”. Còn theo ông Vũ Tuấn Cường, Phó Giám đốc Sở Y tế, Phó Ban Thường trực BCĐ Phòng, chống tác hại của thuốc lá tỉnh, nguồn kinh phí của Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá được cấp hàng năm thấp và không ổn định cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến hiệu quả triển khai Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá trong thời gian qua.

Tìm hiểu chúng tôi được biết thêm, một trong những nội dung được đề ra khi triển khai Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá là điều tra để đánh giá hiệu quả triển khai Luật. Tuy nhiên, nội dung này ở Quảng Ninh gần như chưa được thực hiện. Chính vì vậy, các số liệu thống kê, đánh giá; kết quả điều tra xã hội học số lượng người hút thuốc lá trước can thiệp là không có. Hiện nay, chỉ có duy nhất TP Hạ Long là tổ chức được đoàn kiểm tra liên ngành theo chương trình xây dựng Hạ Long - thành phố du lịch không khói thuốc lá.

Theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, hành vi hút thuốc lá ở những nơi bị cấm sẽ bị xử phạt. Lực lượng tham gia xử phạt vi phạm hành chính về phòng, chống tác hại của thuốc lá là thanh tra y tế, chiến sĩ công an đang thi hành nhiệm vụ, Chủ tịch UBND xã (phường); mức xử phạt cho hành vi hút thuốc lá ở những nơi bị cấm từ 100.000 - 300.000 đồng. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, ghi nhận của chúng tôi là chưa có trường hợp nào trên địa bàn tỉnh bị phạt vì hành vi hút thuốc lá những nơi bị cấm, mặc dù hành vi đó diễn ra thường xuyên.

Ngoài ra, một lý do nữa khiến công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá chưa đạt hiệu quả như mong muốn chính là những người đứng đầu trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa nêu gương. Bởi chỉ khi người đứng đầu nêu gương, cương quyết nói không với thuốc lá, xây dựng các tiêu chí thi đua gắn với việc không hút thuốc lá thì hiệu quả phòng, chống thuốc lá mới thực sự có hiệu quả.


Đảm bảo việc phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả

* Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Tuấn Cường: “Lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các điểm cấm bán thuốc lá”

Khó khăn lớn nhất hiện nay trong thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá chính là ý thức của người dân và chế tài xử lý những trường hợp vi phạm. Để Luật được thực thi một cách nghiêm minh, theo tôi, bên cạnh việc tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân; các sở, ngành, địa phương cần đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hành động hàng năm; đồng thời đưa quy định cấm hút thuốc lá vào quy chế nội bộ của đơn vị; lồng ghép việc không hút thuốc lá vào việc xây dựng văn hoá công sở, đời sống văn hoá ở khu dân cư... Bên cạnh đó, các ngành, địa phương cần thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra tình hình thực hiện Luật và xử lý trường hợp vi phạm tại cơ  sở. Tại các điểm cấm hút thuốc lá cần lắp đặt hệ thống camera giám sát để có cơ sở bằng chứng lập biên bản xử lý những người vi phạm về hút thuốc lá. Tiếp tục nâng cao quyền, trách nhiệm người quản lý tại các điểm cấm hút, bán thuốc lá.

* Trung tá Trịnh Ngọc Thanh, Đội trưởng Đội điều tra, Công an TP Hạ Long: “Cần có các văn bản hướng dẫn cụ thể”

Hiện nay, một số điều của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá chưa hợp lý, thiếu sự thống nhất với Luật Xử lý vi phạm hành chính gây khó khăn cho người có thẩm quyền xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, một số quy định trong Luật còn thiếu chế tài xử lý đối với các hành vi như: Sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua bán thuốc lá; bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi, bán thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm... Chính vì thế, để đảm bảo tính nghiêm minh của Luật, trước hết, cần có các văn bản hướng dẫn cụ thể hơn về chức trách, nhiệm vụ của các đơn vị xử phạt, hình thức xử phạt phù hợp với thực tế, cũng như xây dựng các kế hoạch, chương trình ra quân kiểm tra xử lý các đối tượng vi phạm Luật. Đồng thời, giữa các ban, ngành cần tăng cường phối hợp công tác thanh tra, kiểm tra về việc tuân thủ quy định cấm hút thuốc tại các nơi làm việc, nhà hàng, trên các phương tiện giao thông công cộng và các địa điểm đông người.

* Chủ tịch UBND xã Hiệp Hoà, TX Quảng Yên Vũ Khắc Hoàn: “Nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu”

Để đảm bảo tính nghiêm minh của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, trước hết Luật phải được áp dụng triệt để trong các cơ quan hành chính nhà nước. Việc thực hiện Luật phải được gắn liền với các quy chế nội bộ về phòng, chống tác hại thuốc lá, thực hiện triệt để việc không hút thuốc lá tại cơ quan, đơn vị và có hình thức xử phạt phù hợp với người vi phạm. Đồng thời, thường xuyên chấn chỉnh, nhắc nhở cán bộ, nhân viên xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc lá. Bên cạnh đó, bản thân lãnh đạo phải là những người đi tiên phong, làm gương trong việc chấp hành và thực hiện nghiêm quy định phòng, chống tác hại thuốc lá. Từ đó góp phần nâng cao ý thức của cán bộ, nhân viên trong việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

* Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường Nguyễn Văn Thoại: “Chủ động thực hiện việc kiểm tra, quản lý đối với mặt hàng thuốc lá”

Những năm qua, các đơn vị trong ngành vẫn luôn chủ động thực hiện việc kiểm tra, quản lý đối với mặt hàng thuốc lá. Trong đó, tập trung phát hiện và xử phạt các trường hợp buôn lậu thuốc lá, không có giấy phép kinh doanh sản phẩm thuốc lá. Tuy nhiên, do nhiều hộ kinh doanh còn chưa biết đến Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, nên trong quá trình kiểm tra, đơn vị cũng tích cực tuyên truyền, nhắc nhở các nhà hàng, quán bar, điểm dừng chân đón khách, vui chơi, giải trí cần có biển “cấm hút thuốc”. Đồng thời, yêu cầu các chủ cửa hàng nhắc nhở khách hàng không hút thuốc. Bên cạnh đó, khi cơ quan chức năng cấp phép hoạt động cho những địa điểm như quán bar, karaoke, vũ trường... cần kiểm tra các điều kiện nơi dành riêng cho người hút thuốc lá, được nêu rõ trong Luật này.

* Ông Nguyễn Phúc Thịnh, tổ 9, khu 9, phường Trần Hưng Đạo, TP Hạ Long: “Cần đổi mới công tác tuyên truyền đến người dân”

Nhiều người vẫn coi hút thuốc lá là hành động rất bình thường trong xã hội. Vì thế, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá còn chưa được nhiều người biết đến. Để Luật đi vào cuộc sống, trước hết cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục và phổ biến đến người dân, làm cho họ hiểu rõ tác hại của thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến bản thân người hút mà cả những người xung quanh. Mở rộng đối tượng tuyên truyền ở cả trẻ em, phụ nữ, người già để tạo sự tác động tích cực đến người hút. Hình thức tuyên truyền cũng cần đổi mới, bên cạnh việc sử dụng hình ảnh về tác hại thuốc lá, cần nhấn mạnh sự nguy hiểm của thuốc lá thông qua những clip ngắn, chia sẻ của người đã cai thuốc. Đồng thời, giới thiệu các biện pháp giúp người nghiện thuốc bỏ thuốc lá.

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Thu tục hành chính
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014