Mùa hè, đề phòng bệnh da do tụ cầu
Cập nhật: 13/6/2012 | 9:24:39 AM
Vi khuẩn tụ cầu có ở hầu hết mọi nơi trong môi trường tự nhiên bởi chúng có sức đề kháng rất mạnh và chịu đựng tốt sự thay đổi của môi trường như khô hạn, nắng nóng, nhiệt độ, độ pH. Trên cơ thể người bình thường cũng có mặt vi khuẩn tụ cầu ký sinh (da niêm mạc, đường ruột). Vi khuẩn tụ cầu có thể gây bệnh cho người bất cứ lúc nào, mùa nào nhưng mùa hè chúng thường gây nên một số bệnh nhiễm khuẩn cho con người, đặc biệt là trẻ em.
Vi khuẩn tụ cầu (Staphylococcus) có 3 loại, đó là tụ cầu vàng S.aureus), tụ cầu da (S. epidermidis) và tụ cầu hoại sinh (S. saprophyticus). Trong 3 loại đó thì tụ cầu vàng là loại vi khuẩn gây nhiều bệnh nhất, trong đó có những bệnh rất nặng, đặc biệt chúng có khả năng kháng lại nhiều loại kháng sinh.
Trước đây người ta cho rằng, tụ cầu da và tụ cầu hoại sinh không gây bệnh mà chúng chỉ ký sinh trên cơ thể người, nhưng ngày nay khoa học đã chứng minh rằng tất cả các loại tụ cầu đều gây bệnh nhất là gây các bệnh nhiễm khuẩn bệnh viện. Gây bệnh của tụ cầu rất đa dạng, trong đó cần quan tâm đến một số bệnh mà tụ cầu gây ra hay gặp trong mùa hè.
Tụ cầu vàng S.aureus. |
Bệnh da thường gặp do tụ cầu
Bệnh nhiễm khuẩn da và niêm mạc là một bệnh thường xảy ra vào mùa nắng nóng nhất là các bệnh mụn nhọt, chốc đầu, lở loét da. Bệnh ở da có khi tạo nên các ổ áp-xe to bằng hạt ngô, quả táo, đầu ngón tay nằm ngay dưới da gây đau đớn, sốt, sưng nề sung huyết làm đỏ cả một vùng da. Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nếu bị nhiễm tụ cầu có thể gây nên viêm da sơ sinh hoặc hội chứng bong da ở trẻ nhỏ.
Bệnh được thể hiện là ngay sau khi có sốt và đỏ da là xuất hiện hiện tượng bong lớp biểu bì đồng thời hình thành bọng nước trên một diện tích da khá rộng. Nếu trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ mắc bệnh dạng này thường là lành tính cho nên việc điều trị không gặp nhiều khó khăn. Viêm da cũng có thể tạo thành các ổ áp-xe nhỏ như đầu đinh ghim ở vùng da đầu do viêm tắc chân lông và tuyến mồ hôi, tuyến bã...
Nhiều trường hợp viêm, tạo thành nhọt (áp-xe) da đầu bị vỡ ra do nhiều nguyên nhân khác nhau làm xuất tiết các chất huyết tương kèm theo vi khuẩn tụ cầu lây lan sang vùng da khác và gây bệnh, đặc biệt là vùng da có nhiều lông như ở đầu (trẻ em và người trưởng thành), nách, mu (người trưởng thành). Tụ cầu cũng gây nên mụn đầu đinh (đinh râu) là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính rất nguy hiểm cho tính mạng người bệnh vì có nguy cơ cao gây nhiễm khuẩn huyết. Nhiều trường hợp tụ cầu gây bệnh ở các cơ quan sâu trong cơ thể như áp-xe cơ hoành, áp-xe các cơ đùi, bắp chân...
Những bệnh do tụ cầu gây nên ở da và niêm mạc có thể là ngoại sinh (môi trường bên ngoài xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh) nhưng cũng có thể là do nội sinh (vi khuẩn tụ cầu có ngay trên cơ thể, khi gặp điều kiện thuận lợi thì chúng trở nên gây bệnh bởi vì có tới 20 - 30% người lành mang vi khuẩn náu ở da và niêm mạc đường hô hấp trên). Mùa hè nắng nóng, nếu thiếu nước sinh hoạt kèm theo vệ sinh cá nhân không tốt thì bệnh do tụ cầu càng dễ phát triển và có khi gây thành dịch mang tính chất gia đình.
Hình ảnh tổn thương da do tụ cầu. |
Phòng bệnh da mùa hè do vi khuẩn tụ cầu
Để hạn chế mắc bệnh mùa hè do tụ cầu gây ra nên vệ sinh cá nhân thật tốt bằng cách tắm, rửa hằng ngày với nước sạch, nhất là trẻ nhỏ bụ bẫm có nhiều nếp kẽ, nếp gấp chứa nhiều mồ hôi, bã nhờn. Cần vệ sinh họng, miệng hằng ngày bằng cách đánh răng và súc họng nước muối nhạt trước khi đi ngủ và sau khi ngủ dậy. Mỗi khi ra đường nên đeo khẩu trang để tránh hít phải bụi bẩn.
Ngoài ra, cần vệ sinh môi trường thật tốt, nhất là vệ sinh môi trường bệnh viện, môi trường sinh hoạt trong mỗi gia đình. Đối với các cơ sở y tế cần vô khuẩn tuyệt đối các dụng cụ y tế để tiêu diệt các vi sinh vật gây bệnh, trong đó có tụ cầu. Cần nâng cao sức đề kháng cho cơ thể, đặc biệt là trẻ em bởi vì hiện nay chưa có vaccin phòng bệnh đặc hiệu để phòng các bệnh do vi khuẩn tụ cầu gây ra.
Tụ cầu còn gây một số bệnh nguy hiểm khác Ðiển hình cho một số bệnh này là áp-xe phổi. Bệnh có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh và cũng có nguy cơ cao gây nhiễm khuẩn huyết. Tụ cầu cũng có thể gây nên các bệnh nặng như viêm tủy xương (gặp trong trường hợp đóng đinh nội tủy do gãy xương), viêm tĩnh mạch xoang hang, viêm nội tâm mạc hoặc gây viêm màng não mủ... Ngoài ra, tụ cầu còn là thủ phạm gây ngộ độc thực phẩm do tụ cầu có nhiều loại nội độc tố và ngoại độc tố (độc tố làm đông huyết tương, độc tố tan máu và diệt bạch cầu, độc tố phá hủy lớp thượng bì và hủy hoại tổ chức, độc tố gây sốc nhiễm độc và đặc biệt nhất là vi khuẩn tụ cầu sản sinh ra men kháng lại kháng sinh penicillin). |
(Nguồn: suckhoedoisong.vn)
TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
- Mỗi trẻ sinh non đều là một chiến binh nhỏ bé - Hãy cùng nhau bảo vệ và chăm sóc các em (22/11/2024)
- Khám sức khỏe định kỳ: phát hiện sớm trầm cảm, rối loạn lo âu ở người cao tuổi (22/11/2024)
- Bệnh sa sút trí tuệ: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh (22/11/2024)
- Tập thể dục cường độ cao có tốt cho người cao tuổi không? (22/11/2024)
- Chăm sóc sức khỏe cho trẻ em (22/11/2024)
- Giải pháp chiến lược trong điều trị bệnh không lây nhiễm (22/11/2024)
- Nhu cầu tiếp nhận báo giá để tham khảo xây dựng giá gói thầu. Để có cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh (22/11/2024)
- Nhu cầu tiếp nhận báo giá để tham khảo, xây dựng giá gói thầu, làm cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu cho gói thầu: Bảo dưỡng máy Sắc ký lỏng khối phổ (LCMS) (22/11/2024)
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
- Tìm ra các bí ẩn về ung thư tử cung (13/6/2012)
- Phát hiện bí mật về tế bào kháng virus HIV tự nhiên (12/6/2012)
- Thử nghiệm vắc-xin chống ung thư cổ tử cung mới (12/6/2012)
- Bệnh nhi mắc hô hấp tăng cao (10/6/2012)
- Thử nghiệm thành công vaccine ngừa sốt rét (10/6/2012)
- Thử nghiệm vaccine bệnh Parkinson đầu tiên trên thế giới (10/6/2012)
- Người đầu tiên trên thế giới khỏi bệnh AIDS: ’Tôi ổn’ (10/6/2012)
- Gia tăng bệnh lậu kháng kháng sinh (8/6/2012)
- Xử lý chất thải y tế: Đầu tư lớn, hiệu quả cao (7/6/2012)
- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Huy Hậu: ”Quyết tâm dập dịch tai xanh trong thời gian ngắn nhất” (5/6/2012)
- Tiêu điểm nóng
- Tin đọc nhiều