Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Vai trò của tiêm chủng với người trưởng thành

Cập nhật: 24/1/2024 | 9:19:55 AM

Ngày nay khi nhiều bệnh ở người trưởng thành đã được nghiên cứu vắc xin phòng ngừa, tuy nhiên khác với đối tượng trẻ nhỏ, người trưởng thành vẫn chưa thực sự quan tâm và đánh giá đúng mức tầm quan trọng của việc tiêm chủng cho chính bản thân mình. Chính vì vậy, đối với nhiều bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng tiêm vắc xin thì tỉ lệ mắc bệnh vẫn còn rất cao như: Ung thư cổ tử cung, viêm não Nhật Bản, viêm gan A, B hay viêm màng não. Vậy người trưởng thành có cần tiêm chủng và cần tiêm những loại vắc xin nào? Để giải đáp thắc mắc này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Nguyễn Thị Cúc, Khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS, Trung tâm Y tế thành phố Cẩm Phả.

PV: Thưa bác sĩ, tại sao trưởng thành là giai đoạn cần thiết để thực hiện tiêm chủng?

Bác sĩ Cúc: Tiêm chủng vắc xin là một trong những biện pháp an toàn và hiệu quả nhất để phòng các bệnh truyền nhiễm không chỉ cho trẻ em mà cho cả người lớn. Giai đoạn trưởng thành hay còn gọi là người lớn là giai đoạn thích hợp để thực hiện tiêm chủng vì 4 lý do sau:

– Thứ nhất: Người lớn là đối tượng dễ mắc bệnh vì tiếp xúc với nhiều nguồn lây bệnh do công việc và các nhu cầu trong cuộc sống nên phải đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, làm những công việc có nguy cơ cao lây nhiễm bệnh…

– Thứ hai: Người lớn nếu có sức khỏe yếu, có bệnh nền, đặc biệt các bệnh mạn tính như tim mạch, tiểu đường, huyết áp, bệnh phổi,… khi mắc bệnh truyền nhiễm sẽ biến chứng nhanh hơn, nặng hơn, khó điều trị, tốn kém và tỷ lệ tử vong cao hơn.

– Thứ ba: Người lớn khi mắc bệnh sẽ là nguồn lây bệnh trực tiếp cho người thân trong gia đình, đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người cao tuổi có bệnh lý nền từ đó có thể gây ra những hậu quả nặng nề. Nếu tất cả người lớn trong gia đình được tiêm chủng đầy đủ sẽ không mắc bệnh và sẽ tạo thành “tổ kén” bảo vệ cho trẻ em chưa được tiêm chủng hoặc những người không thể tiêm chủng vắc xin.

– Thứ 4: Tại Việt Nam, hầu hết người lớn không được tiêm chủng vaccine đầy đủ khi còn nhỏ, nếu được tiêm thì cũng chỉ một vài loại cơ bản. Do đó, người lớn cần được tiêm mới hoặc tiêm nhắc lại các loại vaccine.

Người trưởng thành rất cần tiêm chủng để phòng ngừa bệnh tật

PV: Đối với việc tiêm chủng, khi còn nhỏ và khi trưởng thành rất quan trọng. Nên việc tạo kháng thể vào giai đoạn này có ý nghĩa như thế nào đối với sức khoẻ của chúng ta?

Bác sĩ Cúc: Bản chất việc tiêm chủng là sử dụng vắc-xin để kích thích cơ thể sinh ra kháng thể chống lại bệnh đó. 

Đối với trẻ nhỏ hệ miễn dịch của trẻ còn khá non nớt. Ở những tháng đầu, trẻ sơ sinh miễn dịch với một số bệnh nhiễm trùng vì trẻ đã nhận được kháng thể từ mẹ., tuy nhiên kháng thể này  chỉ tồn tại trong vài tháng, sau đó giảm nhanh chóng. Tiêm chủng cho trẻ ngay từ những tháng đầu đời là cách tốt nhất để truyền kháng thể, thay thế lượng đã giảm và cũng là thời điểm bản lề để tăng cường hệ miễn dịch.

Từ 6 tháng tuổi trở đi, các kháng thể từ mẹ truyền sang trẻ đã giảm đi rất nhiều, lúc này hệ miễn dịch của trẻ chưa được hoàn thiện mà phải đến 3-4 tuổi thì hệ thống này mới sản xuất đầy đủ các kháng thể giúp chống lại các bệnh truyền nhiễm. Như vậy giai đoạn này là giai đoạn “khoảng trống miễn dịch” trẻ rất dễ bị mắc các bệnh truyền nhiễm, việc tiêm phòng vắc xin trong giai đoạn này vô cùng cần thiết cho trẻ để tạo miễn dịch phòng bệnh.

Và theo thời gian đến giai đoạn trưởng thành thì rất nhiều loại vắc-xin dù đã được sử dụng từ khi còn nhỏ nhưng hiệu lực bảo vệ đã giảm theo thời gian nên cần được sử dụng nhắc lại để củng cố đáp ứng miễn dịch đã tạo ra trước đó. Đồng thời người trưởng thành cần sử dụng thêm một số loại vắc-xin khác để bảo vệ bản thân trước các bệnh mà cơ thể chưa có miễn dịch.

PV: Với người trưởng thành chúng ta nên tiêm chủng những loại vắc xin nào, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Cúc: Tất cả người lớn hay còn gọi là người trưởng thành đều được khuyến khích tiêm phòng, tuy nhiên tuỳ từng nhóm đối tượng mà sẽ có các vắc xin ưu tiên trong tiêm chủng, ví dụ như:

– Đối với người trưởng thành: Vaccine phòng Viêm gan A, viêm gan B, Phế cầu, Cúm, Não mô cầu, Thủy đậu, Sởi – Quai bị – Rubella, Bạch hầu – Ho gà- Uốn ván, Ung thư cổ tử cung, Viêm não nhật bản, Thương hàn…

– Đối với phụ nữ  dự định mang thai: Vaccine Sởi – Quai bị – Rubella, Thủy đậu, Cúm. Phụ nữ có thai: Uốn ván, Bạch hầu – Ho gà- Uốn ván.

– Đối với người già, Người có nguy cơ mắc các bệnh hoặc các bệnh mãn tính: Vaccine Phế cầu, Cúm, Thủy đậu, Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván,…

– Người lớn đi du lịch nước ngoài: tiêm vắc xin phòng bệnh theo yêu cầu của quốc gia sở tại, ví dụ các vắc xin như: Sởi – Quai bị – Rubella, cúm, dại..

– Người làm việc ở các môi trường thường xuyên tiếp xúc với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, các nhân viên chăm sóc sức khỏe: Vaccine phòng Viêm gan A/B, Cúm, Thủy đậu, Vaccine Phế cầu, Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván, Sởi – Quai bị – Rubella.

Tiêm chủng sớm có thể giúp dự phòng những căn bệnh mãn tính về sau

PV: Với một số người, dù chưa từng tiêm chủng hoặc số lần tiêm chủng rất ít nhưng cơ thể họ vẫn có khả năng tự chống lại một số loại vi khuẩn. Bác sĩ có thể chia sẻ thêm về vấn đề này được ko?

Bác sĩ Cúc: Trên thực tế với một số người, dù chưa từng tiêm chủng hoặc số lần tiêm chủng rất ít nhưng cơ thể họ vẫn có khả năng tự chống lại một số loại vi khuẩn, vi rút. Điều này có thể do rất nhiều nguyên nhân. Cũng có thể là do yếu tố từ cộng đồng: Người đó sống trong môi trường có miễn dịch cộng đồng. Miễn dịch cộng đồng tạo ra một tầng bảo vệ chống lại bệnh cho cả những người chưa được tiêm chủng. Có thể là do bản thân cá thể đó.

– Với những người có một sức đề kháng tốt, cơ thể sẽ ngăn chặn được những tác nhân gây bệnh từ môi trường xung quanh hoặc tìm cách loại bỏ, tiêu diệt nếu chúng đã xâm nhập vào bên trong cơ thể.

– Một số người trong giai đoạn khi còn là trẻ thường xuyên mắc các bệnh mà người ta hay gọi là cảm vặt, hệ thống miễn dịch sẽ tạo ra một “ngân hàng” kháng thể trong lần đầu tiên tiếp xúc với căn bệnh và hình thành khả năng chống lại chúng trong tương lai. theo nguyên tắc chung, hệ miễn dịch trở nên mạnh mẽ hơn khi trưởng thành, đến thời điểm này khi chúng ta đã tiếp xúc với nhiều mầm bệnh và phát triển khả năng miễn dịch nhiều hơn. Khi một kháng thể đã được tạo ra, một bản sao vẫn còn trong cơ thể để nếu cùng một kháng nguyên xuất hiện trở lại, nó có thể được xử lý nhanh hơn.ngăn chặn bệnh tái phát. Cơ chế sinh kháng thể này như cơ chế sinh kháng thể của việc tiêm chủng vắc xin phòng bệnh nhưng những người này lại không trực tiếp tiêm vắc xin mà là do tiếp xúc với các mầm bệnh đã bị suy yếu.

PV: Bác sĩ có lời khuyên nào về sức khoẻ cho những người trưởng thành và các bạn trẻ hiện nay hay không?

Bác sĩ Cúc: Chúng ta thấy rằng hiện nay tỷ lệ trẻ hoá đối với các bệnh lý càng ngày càng tăng cao. Điều này là do Áp lực công việc, lối sống hối hả, thói quen ăn uống không lành mạnh, lười vận động, tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, đô thị hóa và di dân gia tăng là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện, lây lan và bùng phát. Vì vậy để có một sức khoẻ tốt ngoài việc chúng ta cần thực hiện lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng lành mạnh, rèn luyện thể chất, thoái mái tinh thần thì một việc rất quan trọng đó là tiêm chủng vắc xin phòng bệnh.

Sức khỏe là vốn quý nhất của con người, là thứ cần nghiêm túc đầu tư và dành tâm sức vào nhất.

PV: Cảm ơn bác sĩ đã chia sẻ những thông tin hữu ích./.

Thanh Nga, Tuấn Anh (CDC)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Thu tục hành chính
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014