Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Đầu tư cho y tế dự phòng - Vẫn còn nhiều khó khăn

Cập nhật: 22/3/2014 | 7:19:02 PM

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm sức khoẻ cộng đồng (Hiệp hội Các nhà khoa học Việt Nam): “Thành công một ca giải phẫu có thể cứu sống một mạng người, nhưng thành công trong một chiến lược y tế dự phòng có thể cứu sống nhiều triệu người, và kéo dài tuổi thọ cũng như nâng cao chất lượng sống cho cả một dân tộc”. Điều này cho thấy hệ thống y tế dự phòng có vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện mạng lưới y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được đầu tư đúng mức.

Xét nghiệm Elisa để chẩn đoán vi rút gây bệnh tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.
Xét nghiệm Elisa để chẩn đoán vi rút gây bệnh tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.

Nguy cơ của những dịch bệnh

Theo khảo sát của Sở Y tế, trong những năm qua, người dân trên địa bàn tỉnh chủ yếu mắc các bệnh nhiễm khuẩn, bệnh tiêu hoá, hô hấp, bụi phổi, suy dinh dưỡng, nhiễm trùng và các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Không nằm ngoài xu hướng chung của cả nước, trên địa bàn tỉnh cũng gia tăng bệnh nhân mắc các bệnh không lây nhiễm, như: Tăng huyết áp, rối loạn tâm thần, đái tháo đường, ung thư. Năm qua, hơn 2.400 bệnh nhân mắc bệnh tâm thần; trên 5.600 bệnh nhân tăng huyết áp…

Cùng với đó, sự xuất hiện của các dịch bệnh mới, như: Cúm A(H5N1), cúm A(H7N9)… đòi hỏi công tác y tế dự phòng phải được quan tâm, nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cho người dân, các đơn vị doanh nghiệp để bảo vệ tốt nhất sức khoẻ cho người dân, người lao động. Theo quy định của Bộ Y tế, y tế dự phòng có chức năng thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật về: Phòng chống dịch bệnh, dinh dưỡng cộng đồng, ATVSTP, kiểm dịch y tế, sức khoẻ môi trường, sức khoẻ trường học, sức khoẻ nghề nghiệp, phòng chống tai nạn thương tích và xây dựng cộng đồng an toàn; phối hợp với trung tâm truyền thông giáo dục sức khoẻ và các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn triển khai công tác thông tin, truyền thông, giáo dục sức khoẻ về lĩnh vực y tế dự phòng. Bởi vậy, thành công của một chiến lược y tế dự phòng có thể đem lại lợi ích và hiệu quả cao hơn là thành công trong việc đáp ứng nhu cầu của người bệnh. Điều đó cho thấy, đầu tư cho y tế dự phòng rất quan trọng đối với việc phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ cho người dân. Tuy nhiên, hiện hệ thống y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh ở tuyến cơ sở vẫn còn yếu.

Khó khăn của hệ dự phòng

Hiện trên địa bàn tỉnh có 8 đơn vị tuyến tỉnh thuộc lĩnh vực y tế dự phòng, 10 trung tâm y tế (TTYT) tuyến huyện chỉ làm nhiệm vụ dự phòng, 4 TTYT tuyến huyện vừa thực hiện chức năng dự phòng, vừa thực hiện chức năng khám, chữa bệnh. Trong những năm qua, tỉnh đã quan tâm đầu tư cho công tác y tế dự phòng tuyến tỉnh. Riêng TTYT dự phòng tỉnh được đầu tư tương đối đầy đủ trang thiết bị, máy móc hiện đại, như: Sắc ký lỏng khối phổ, máy sắc khí lỏng cao áp, hệ thống PCR… Phòng xét nghiệm của Trung tâm được công nhận đạt ISO 17025-2005, đạt 100% chỉ tiêu xét nghiệm theo chuẩn quốc gia do Bộ Y tế ban hành. Trung tâm đã thực hiện được các xét nghiệm chuyên sâu phục vụ rất tốt cho phòng chống dịch bệnh, đảm bảo VSATTP trên địa bàn. Hiện Trung tâm làm được cả các xét nghiệm phát hiện vi rút H5N1, H7N9…

Tuy nhiên, việc đầu tư cho hệ thống dự phòng vẫn chưa đồng bộ. Mức đầu tư kinh phí thấp nhất là tuyến cơ sở. Trong số 10 TTYT tuyến huyện chỉ làm chức năng dự phòng thì 8 trung tâm chưa có trụ sở, phải nhờ bệnh viện. TTYT TP Hạ Long, TTYT huyện Vân Đồn có trụ sở riêng, song diện tích chật hẹp so với quy chuẩn của Bộ Y tế. Trang thiết bị của các trung tâm chủ yếu từ nguồn chương trình mục tiêu y tế quốc gia và dự án viện trợ, hiện đã cũ, hỏng, không đầy đủ, khiến cho việc hoạt động gặp khó khăn. Cả 14 TTYT tuyến huyện chưa nơi nào có phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học cấp I.

Nhân lực của dự phòng lại càng khốn khó, thiếu cán bộ có trình độ chuyên khoa sâu, thiếu bác sĩ. Nhiều trung tâm chỉ có 3-5 bác sĩ, như: TTYT TP Móng Cái, TTYT huyện Hải Hà, TTYT TX Quảng Yên… Trong tổng số hơn 1.000 bác sĩ toàn tỉnh hiện nay thì hệ dự phòng chỉ có khoảng 150 bác sĩ. Thiếu như vậy, song các trung tâm không thu hút được bác sĩ về công tác bởi không có nguồn thu. Thu nhập của bác sĩ hệ dự phòng không cao bằng thu nhập của bác sĩ công tác tại các bệnh viện, mặc dù họ luôn đối mặt với các dịch bệnh nguy hiểm.

Theo bác sĩ Ninh Văn Chủ, Giám đốc TTYT dự phòng tỉnh: Nếu làm không tốt, để xảy ra dịch với quy mô lớn, thì dẫu có nhiều bệnh viện cũng không thể chứa hết người bệnh, không đủ nhân lực để phục vụ bệnh nhân. Bởi vậy, biện pháp tốt nhất để giảm quá tải bệnh viện, giảm gánh nặng tài chính cho các gia đình chính là đầu tư tốt cho dự phòng.

(Nguồn: Thu Nguyệt - Báo Quảng Ninh)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Thu tục hành chính
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014