Phòng chống thực phẩm bẩn: Phải quyết liệt hơn nữa
Cập nhật: 25/4/2016 | 10:09:09 AM
Những ngày gần đây, khái niệm “thực phẩm không an toàn”, “thực phẩm bẩn” được nhắc đến rất nhiều, thu hút sự quan tâm đặc biệt của các cấp, các ngành, toàn xã hội. Nhiều cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm bẩn hoặc có dấu hiệu vi phạm đã bị bêu tên trên các phương tiện thông tin. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng thực phẩm bẩn tràn lan đã được làm rõ. Và để phòng chống thực phẩm bẩn, chúng ta có quá nhiều việc cần phải làm ngay, làm nghiêm túc và quyết liệt hơn.
Người tiêu dùng khó mà nhận biết được đâu là thực phẩm an toàn. (Ảnh minh hoạ) |
Nỗi lo “Hôm nay ăn gì?”
Đến bây giờ thì câu hỏi “Hôm nay ăn gì?” đã thực sự trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người, từ chị công chức, anh công nhân cho đến những người làm việc tự do. Ở các đô thị, người dân cũng vẫn băn khoăn khi lựa chọn thực phẩm trong những siêu thị, cửa hàng mang tên “thực phẩm sạch”. Bởi thực sự mà nói thì họ chưa đủ niềm tin rằng lương thực, thực phẩm được bày bán trong đó là thực phẩm an toàn. Vì họ có được giám sát đâu. Họ cũng đâu có được chứng kiến tận mắt quy trình sản xuất, chế biến thực phẩm được bày bán trong đó. Những lời xì xào rằng chính thực phẩm trong các siêu thị khi bị kiểm tra cũng luôn vượt các chỉ số cho phép về an toàn, hay chuyện cửa hàng rau sạch lấy rau ngoài chợ về bán, được các bà nội trợ rỉ tai nhau, càng làm cho nỗi lo mang tên thực phẩm bẩn gia tăng trong xã hội.
Mà người dân lo lắng theo tôi là có cơ sở, bởi sau mỗi đợt kiểm tra, kể cả đợt kiểm tra đột xuất của lực lượng liên ngành tỉnh vừa mới đây cũng có thấy kết luận gì đâu? Sau kiểm tra, không khẳng định là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn có đảm bảo an toàn hay không thì làm sao mà người dân biết được. Có người bảo để kết luận được an toàn hay không không thể chỉ dựa vào kết quả test nhanh mà phải căn cứ vào kết quả xét nghiệm các mẫu thực phẩm do các cơ quan chuyên ngành ở trung ương thực hiện. Đến các lực lượng chức năng ở tỉnh còn chả khẳng định được thì làm sao mà người tiêu dùng đủ độ thông thái để lựa chọn cho bữa ăn của gia đình mình những thực phẩm an toàn được(?!) Trong khi đó, hằng ngày ai cũng được nghe, được chứng kiến những câu chuyện có thực như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nêu sau khi “vi hành” về chuyện rau hai luống (một luống an toàn để gia đình ăn, những luống còn lại được phun hoá chất để rau phát triển nhanh và trông bắt mắt để bán ra thị trường), vật nuôi hai chuồng (tương tự như rai hai luống).
Những thông tin về thực phẩm không đảm bảo an toàn, thực phẩm có chứa hoá chất độc hại, chất cấm, dư lượng cao về kháng sinh, hoá chất bảo vệ thực vật, thuốc thú y và việc chế biến thực phẩm thủ công, không đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP)... xuất hiện ngày càng nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng xã hội là nỗi nhức nhối, bức xúc trong xã hội. Khi những vấn đề này chưa được giải quyết, thì “hôm nay ăn gì?” vẫn luôn là câu hỏi làm đau đầu mỗi người dân chúng ta.
Được sử dụng thực phẩm an toàn là quyền cơ bản của mỗi người. Trong ảnh: Một cơ sở sản xuất chả mực an toàn ở phường Hồng Hà, TP Hạ Long. |
Cần hành động quyết liệt hơn
ATTP là vấn đề vô cùng quan trọng đối với mỗi người và toàn xã hội. Thực phẩm an toàn sẽ đóng góp to lớn cho việc cải thiện sức khoẻ, nâng cao chất lượng cuộc sống, duy trì và phát triển giống nòi. Được tiếp cận với thực phẩm an toàn đã trở thành quyền cơ bản đối với mỗi người. Trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội đã khẳng định như vậy và đề nghị các cơ quan chức năng cần quyết liệt, nghiêm túc hơn nữa trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước của mình.
Ở Quảng Ninh, theo đồng chí Giám đốc Sở Y tế, Trưởng cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh, những năm qua, bên cạnh những kết quả đạt được như nhận thức về ATTP của toàn xã hội được nâng lên, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã quan tâm thực hiện tốt các quy định về ATTP, không xảy ra ngộ độc tập thể lớn, giảm tối đa số người mắc và tử vong do ngộ độc thực phẩm... cũng đang phải đối mặt với những thách thức lớn. Đó là: Thực phẩm không đảm bảo an toàn, có chứa hoá chất độc hại, chất cấm, dư lượng cao về kháng sinh, hoá chất bảo vệ thực vật, thuốc thú y trong nông sản thực phẩm như rau, quả, thịt gia súc, gia cầm, hải sản; chế biến thực phẩm còn thủ công, không đảm bảo điều kiện ATTP; chưa kiểm soát hiệu quả tình trạng thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm giả...
Để đảm bảo quyền của mỗi người dân được sử dụng thực phẩm an toàn, các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này (Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở NN&PTNT và UBND các cấp) cần thực hiện tốt chức năng của mình, đặc biệt cần phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm. Các đại biểu Quốc hội trong kỳ họp vừa qua cho rằng quy định của pháp luật về lĩnh vực này đã khá đầy đủ, chặt chẽ. Đặc biệt, bắt đầu từ 1-7 này, một số quy định trong Bộ luật Hình sự về ATTP sẽ có hiệu lực. Trong đó, hành vi phạm về ATTP bị xử lý rất nặng, có thể bị phạt tiền lên đến 500 triệu đồng và bị phạt tù đến 20 năm. Vì thế mấu chốt nhất trong công tác đảm bảo ATTP là các cơ quan chức năng phải vào cuộc kiểm tra, xử lý một cách tích cực, quyết liệt và nghiêm túc hơn nữa. Người dân cũng phải tham gia vào việc phát hiện, tố giác, tẩy chay những cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm bẩn. Chỉ như vậy, thực phẩm bẩn mới được ngăn chặn, đảm bảo cho cuộc sống của mỗi người thêm tốt hơn.
(Nguồn: baoquangninh.com.vn)
- Bộ Y tế quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của thiết bị y tế thực hiện kê khai giá (26/11/2024)
- Nhu cầu bảo dưỡng, tháo, lắp đặt điều hoà (26/11/2024)
- Nhu cầu mua vacxin dịch vụ cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh (26/11/2024)
- Nhu cầu thiết kế, thi công, trang trí sự kiện chào mừng kỷ niệm 60 năm xây dựng và phát triển Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh (25/11/2024)
- Nhu cầu Thiết kế, in pano khu vực làm việc tòa nhà Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh (25/11/2024)
- Nhu cầu thuê dịch vụ In bộ ”Kỷ yếu 60 năm Vững vàng, phát triển” (25/11/2024)
- Hen phế quản và các biện pháp phòng ngừa (24/11/2024)
- Mỗi trẻ sinh non đều là một chiến binh nhỏ bé - Hãy cùng nhau bảo vệ và chăm sóc các em (22/11/2024)
- Dùng thực phẩm đóng hộp: Tiềm ẩn nhiều rủi ro không nhỏ (25/4/2016)
- Thuốc an thần tiêm vào thịt lợn: Nguy hại mức nào? (21/4/2016)
- Để tủ lạnh luôn là nơi bảo quản thực phẩm an toàn (20/4/2016)
- Giật mình vì hóa chất độc hại tiềm ẩn trong bao bì của các thực phẩm ăn nhanh (19/4/2016)
- 101 các chất độc có thể đưa vào thực phẩm (13/4/2016)
- Đa số người dân Việt nấu ăn bằng nồi nhôm mà không biết chúng có thể gây nhiều tác hại (12/4/2016)
- Điểm danh 4 nhóm thực phẩm chứa nhiều hóa chất, phẩm màu có hại cho sức khỏe (11/4/2016)
- Nhận diện 5 loại rau bẩn tồn dư nhiều hóa chất (5/4/2016)
- 4 cách ăn cực nguy hiểm có thể dẫn đến mắc bệnh ung thư (4/4/2016)
- 3 thay đổi đơn giản trong thực đơn để tránh trầm cảm (29/3/2016)
- Tiêu điểm nóng
- Tin đọc nhiều