Kiềm chế sự gia tăng của bệnh viêm gan vi-rút
Cập nhật: 28/7/2012 | 4:06:24 PM
Thống kê cho thấy toàn thế giới hiện có khoảng hai tỷ người nhiễm vi-rút viêm gan B; 200 triệu người nhiễm vi-rút viêm gan C; các vi-rút viêm gan gây ra cái chết cho hơn một triệu người mỗi năm... Ðại hội đồng tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã họp và quyết định lấy ngày 28-7 hằng năm là Ngày thế giới phòng, chống bệnh viêm gan vi-rút để gióng lên hồi chuông báo động về sự gia tăng cũng như kêu gọi sự chung tay của toàn xã hội ngăn chặn sự gia tăng căn bệnh nguy hiểm này.
WHO phát động chiến dịch bài trừ bệnh viêm gan vi-rút trên toàn cầu nhằm huy động sự tham gia của lãnh đạo tất cả các quốc gia quan tâm, giúp cho mọi người dân hiểu biết về các loại vi-rút viêm gan, đồng thời đề ra những biện pháp phòng, chống có hiệu quả. Ðại diện hơn 190 quốc gia dự họp, đã gửi đi thông điệp "vi-rút viêm gan là kẻ giết người thầm lặng, đừng để vi-rút viêm gan hại cuộc đời bạn".
Vi-rút viêm gan gây bệnh có năm loại chính gồm: A, B, C, D và E. Các loại vi-rút này gây bệnh cho mọi lứa tuổi, không phân biệt giới tính, khả năng lây lan không có giới hạn. Các vi-rút viêm gan cùng với các bệnh hiểm nghèo như HIV/AIDS, lao phổi, sốt rét làm gia tăng tỷ lệ tử vong ở nhiều quốc gia trên thế giới. Các nhà khoa học đã nghiên cứu mỗi loại vi-rút viêm gan có một số đặc điểm riêng. Vi-rút viêm gan A (HAV), đường lây truyền thường do nguồn nước và thực phẩm bị nhiễm vi-rút, ngoài ra quan hệ tình dục không bảo vệ cũng có thể lây truyền HAV. Bệnh viêm gan do HAV thường nhẹ, sau đó hoàn toàn bình thường và có miễn dịch với loại vi-rút này. Tuy vậy có một số ít có thể bị bệnh nặng, ảnh hưởng đến tính mạng. Ðã có vắc-xin tiêm phòng viêm gan vi-rút A. Vi-rút viêm gan B (HBV) chủ yếu lây truyền qua tiếp xúc với máu hoặc các dịch bài tiết của người bị bệnh này. Thường lây truyền từ bà mẹ bị bệnh sang con trong khi sinh và có thể lây truyền sang các thành viên trong gia đình. Sự lây truyền còn có thể bị khi truyền máu hoặc các sản phẩm máu bị nhiễm HBV, sự lây truyền này có thể có nhưng rất ít vì ngành y tế có quy trình an toàn trong truyền máu. Hiện nay đã có vắc-xin phòng HBV rất an toàn và hiệu quả. Ðối với vi-rút viêm gan C (HCV) cũng chủ yếu lây truyền theo đường máu, do truyền máu hoặc các sản phẩm máu có HCV hoặc tiếp xúc với máu người bị HCV. Quan hệ tình dục cũng bị lây truyền nhưng ít. Tuy nhiên, hiện nay chưa có vắc-xin tiêm phòng viêm gan vi-rút C. Vi-rút viêm gan D (HDV) chỉ xảy ra ở người đã bị nhiễm HBV. Sự nhiễm cả HBV và HDV thường làm cho bệnh nặng hơn, vắc-xin tiêm phòng HBV có tác dụng phòng cho cả HDV. Vi-rút viêm gan E (HEV) có đường lây truyền cũng giống như HAV. HEV thường có các dịch phát tán tại các quốc gia đang phát triển và nó là loại viêm gan đang được quan tâm ở các nước phát triển. Hiện nay đã có vắc-xin phòng HEV nhưng chưa được phổ biến rộng rãi.
Theo đánh giá của WHO, Việt Nam là một trong chín quốc gia thuộc khu vực Tây Thái Bình Dương đang phải đối mặt với sự gia tăng của bệnh viêm gan vi-rút. Tỷ lệ nhiễm vi-rút viêm gan B chiếm từ 10 đến 20% số dân, như vậy có khoảng từ 12 đến 16 triệu người bị lây nhiễm HBV. Số người nhiễm vi-rút viêm gan C cũng lên tới khoảng 4,5 triệu người. Trong số người bị lây nhiễm có khoảng năm triệu người bị viêm gan vi-rút B và 3,5 triệu người bị viêm gan vi-rút C. Các nghiên cứu cho thấy số người bị xơ gan ở nước ta là do vi-rút viêm gan B, vi-rút viêm gan C chiếm tới 80%, sau đó là xơ gan do lạm dụng rượu, bia và một số bệnh khác. Số người chết hằng năm lên đến hơn 100 nghìn, do biến chứng xơ gan giai đoạn nặng hoặc do ung thư gan. Mỗi người bệnh viêm gan vi-rút B phải chi phí điều trị từ 2,5 triệu đến 3,5 triệu đồng một tháng; còn điều trị viêm gan vi-rút C mỗi người trong một năm hết khoảng 60 triệu đến 200 triệu đồng. Như vậy trong một năm chi phí điều trị bệnh từ hai loại vi-rút viêm gan đó lên đến 660 nghìn tỷ đồng. Ngoài số tiền khổng lồ đó, chất lượng cuộc sống, tuổi thọ của người bệnh cũng bị giảm sút.
Hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống bệnh viêm gan vi-rút (28-7) do WHO phát động, chúng ta cần thực hiện một số nội dung: Tăng cường giáo dục truyền thông, để mọi người biết được tác hại của viêm gan vi-rút, từ đó các cấp lãnh đạo cùng toàn thể nhân dân vào cuộc, quyết tâm cùng toàn thế giới loại trừ bệnh viêm gan vi-rút. Ðồng thời tập trung nghiên cứu sản xuất vắc-xin phòng viêm gan vi-rút B và sản xuất huyết thanh kháng HBV để điều trị cho những người mắc bệnh có chỉ định. Mở rộng tiêm chủng vắc-xin viêm gan B cho tất cả trẻ sơ sinh (trừ trường hợp không có chỉ định), người dưới 18 tuổi cũng tiêm vắc-xin nếu chưa tiêm nhất là những người có nguy cơ lây nhiễm cao (nhân viên y tế, nhân viên phục vụ trong trại nghiện ma túy...). Ðây là phương pháp dự phòng có hiệu quả nhất để giảm tỷ lệ nhiễm vi-rút, từ đó tiến đến mục tiêu giảm xơ gan và ung thư gan. Trang bị đầy đủ phương tiện, kỹ thuật tiên tiến để phục vụ đúng quy định an toàn trong truyền máu và các sản phẩm máu. Thực hiện các biện pháp phòng, chống lây truyền HBV từ mẹ sang con trong khi sinh, đây là đường lây truyền quan trọng nhất vì nếu mẹ đang bị viêm gan vi-rút B mạn tính, khi sinh khả năng lây truyền cho con lên đến 90%. Thực hiện điều trị đúng phác đồ đối với những người đã bị viêm gan vi-rút mạn tính. Theo dõi những người đã bị lây nhiễm HBV, HCV phát hiện sớm viêm gan, xơ gan, ung thư gan để có phương pháp điều trị kịp thời. Xây dựng chương trình phát hiện, những người bị lây nhiễm HBV và HCV trong cả nước, trước hết phát hiện những phụ nữ đang thời kỳ sinh đẻ, nhất là khi đang mang thai và những người sống chung với người đã bị lây nhiễm vi-rút viêm gan.
Tính chất nghiêm trọng của bệnh viêm gan vi-rút là rất rõ, trong khi tỷ lệ tử vong vẫn gia tăng, ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống kinh tế - xã hội của tất cả các nước. Tình trạng này trở thành vấn nạn của nhiều quốc gia cũng như ở nước ta. Hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống bệnh viêm gan vi-rút, cần có sự đồng tâm hợp lực của toàn xã hội, mọi cấp, mọi ngành, mọi nhà tham gia theo tinh thần phát động của Tổ chức Y tế thế giới "đánh gục viêm gan vi-rút, đừng để quá muộn". Với tinh thần đó, chắc chắn chúng ta ngăn chặn căn bệnh này một cách hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra.
(Nguồn: nhandan.org.vn)
- Mỗi trẻ sinh non đều là một chiến binh nhỏ bé - Hãy cùng nhau bảo vệ và chăm sóc các em (22/11/2024)
- Khám sức khỏe định kỳ: phát hiện sớm trầm cảm, rối loạn lo âu ở người cao tuổi (22/11/2024)
- Bệnh sa sút trí tuệ: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh (22/11/2024)
- Tập thể dục cường độ cao có tốt cho người cao tuổi không? (22/11/2024)
- Chăm sóc sức khỏe cho trẻ em (22/11/2024)
- Giải pháp chiến lược trong điều trị bệnh không lây nhiễm (22/11/2024)
- Nhu cầu tiếp nhận báo giá để tham khảo xây dựng giá gói thầu. Để có cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh (22/11/2024)
- Nhu cầu tiếp nhận báo giá để tham khảo, xây dựng giá gói thầu, làm cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu cho gói thầu: Bảo dưỡng máy Sắc ký lỏng khối phổ (LCMS) (22/11/2024)
- Mỹ: Thêm hai người đàn ông đã hết sạch virus HIV trong máu (28/7/2012)
- Bước tiến trong điều chế vắcxin chống sốt xuất huyết (27/7/2012)
- Sữa có chất gây ung thư không được cấp phép ở Việt Nam (27/7/2012)
- Những bước tiến mới trong điều trị HIV (27/7/2012)
- Người khỏi bệnh HIV khởi động dự án phòng chống AIDS mới (26/7/2012)
- Công đoàn ngành Y tế Quảng Ninh Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm (26/7/2012)
- 3 loại thực phẩm tuyệt đối không nên ăn nhiều (24/7/2012)
- Trung Quốc xôn xao vì sữa cho trẻ sơ sinh nhiễm chất gây ung thư (24/7/2012)
- Một số nghề nghiệp của cha ảnh hưởng lớn đến con (23/7/2012)
- Hội nghị quốc tế về AIDS 2012 (23/7/2012)
- Tiêu điểm nóng
- Tin đọc nhiều