Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Khi người cao tuổi mắc bệnh

Cập nhật: 21/11/2012 | 8:31:26 PM

Do những thay đổi đặc biệt về sinh lý và bệnh lý của người cao tuổi (trên 65 tuổi) nên người ta phải có những nghiên cứu riêng về bệnh ÐTÐ ở lứa tuổi này. Khi người cao tuổi (NCT) mắc bệnh ÐTÐ sẽ gặp nhiều khó khăn và phức tạp hơn trong điều trị.

ÐTÐ là một vấn đề ở sức khỏe NCT

ĐTĐ là một trong những bệnh mạn tính thường gặp có tỷ lệ mắc mới và hiện mắc tăng lên theo tuổi. Ở nhóm tuổi này tỷ lệ mắc bệnh ĐTĐ là 7-10% so với cộng đồng chung, chiếm khoảng 40% trong cộng đồng người mắc bệnh. Ngoài ra có khoảng 10% NCT có bệnh ĐTĐ không được chẩn đoán, không được điều trị và thậm chí có nguy cơ cao hơn về đau ốm dẫn đến tử vong do ĐTĐ. Khoảng 20% NCT có rối loạn dung nạp glucose, có nguy cơ phát triển bệnh mạch máu lớn liên quan đến ĐTĐ. Như vậy, cứ 5 NCT sẽ có 1 người mắc ĐTĐ (đã được hoặc chưa được phát hiện). Nếu tính đến các rối loạn dung nạp glucose khác thì 40% số NCT có rối loạn hằng định nội môi glucose ở những mức độ khác nhau.

Cùng với tiến bộ của y học, tuổi thọ con người ngày càng cao, nhóm tuổi này hiện nay chiếm khoảng 11% dân số và sẽ tăng 20% vào năm 2021. Sự thay đổi về lối sống cũng làm tăng tỷ lệ các bệnh về chuyển hóa như béo phì, sẽ còn làm tăng nhanh tỷ lệ mắc ĐTĐ ở nhóm tuổi này. Điều này cũng có nghĩa là những nhu cầu về nguồn lực y tế cũng sẽ tiếp tục tăng cho những người từ 65 tuổi trở lên.

Một số bằng chứng đã nhận định rõ vai trò của yếu tố gen trong bệnh ĐTĐ ở NCT, tuy nhiên những thay đổi liên quan đến tuổi về chuyển hóa carbonhydrat cũng đã được ghi nhận. Mặc dù có vai trò rất mạnh của gen, nhưng các yếu tố môi trường và lối sống có thể làm tăng hoặc giảm khả năng nhạy cảm về mặt di truyền, do đó bệnh sẽ phát triển khi tuổi già.
 
Ngoài ra, NCT thường mắc các bệnh khác và buộc phải dùng nhiều loại thuốc (ví dụ như thuốc lợi tiểu thiazid). Những thuốc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho những bất thường tiềm tàng về chuyển hóa glucose phát triển thành ĐTĐ lâm sàng. NCT bị mắc bệnh thừa cân, béo phì, đặc biệt béo trung tâm (béo bụng) đã được xem là yếu tố đương nhiên dẫn đến bệnh ĐTĐ typ 2.

Thiếu hụt các nguyên tố vi lượng hoặc vitamin cũng có thể đóng góp vào sự tiến triển của bệnh ĐTĐ typ 2.

Khi người cao tuổi mắc bệnh 1
 Người cao tuổi cần qua các chương trình sàng lọc.

Bệnh tật và tử vong

Với nguyên tắc phòng bệnh hơn chữa bệnh, việc phát hiện bệnh ĐTĐ ở giai đoạn sớm chính là biện pháp phòng bệnh tốt nhất. Phát hiện sớm và can thiệp kịp thời sẽ làm giảm mức độ hoặc ngăn chặn các biến chứng của bệnh. Những  chứng đó thường là giảm thị lực, thậm chí mù lòa do bệnh ĐTĐ, cắt cụt chi dưới do bệnh mạch máu ngoại vi, bệnh thần kinh và bệnh nhiễm trùng, bệnh thiếu máu cơ tim, tai biến mạch máu não và suy thận mạn… Tất cả đều làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh ĐTĐ cao tuổi.

NCT mắc bệnh ĐTĐ ngay ở thời điểm được chẩn đoán đã có 10-20% biến chứng mạch máu nhỏ (võng mạc hoặc bệnh thận); 10% bệnh tim mạch và bệnh thần kinh; bệnh tăng huyết áp và nhồi máu cơ tim còn có tỷ lệ cao hơn... Lứa tuổi này khi mắc bệnh ĐTĐ cũng dễ mắc một số biến chứng cấp tính như áp lực thẩm thấu.
 
Các yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển như do giảm cảm giác khát, NCT luôn ở trạng thái không bù đủ dịch bằng đường uống, vì thế có nguy cơ bị mất natri, mất nước, hạ huyết áp, tăng áp lực thẩm thấu, hạ kali máu (đặc biệt nếu dùng thuốc lợi tiểu), giảm bài tiết insulin và các biến cố tắc mạch. Khi bị nhồi máu cơ tim hoặc nhiễm trùng máu, những người bệnh cao tuổi hay bị shock, có thể nhiễm toan lactic, đặc biệt ở người mắc ĐTĐ nhưng kiểm soát đường huyết kém. Những biến chứng như vậy có thể đe dọa tính mạng người bệnh.

Phần lớn NCT mắc bệnh ĐTĐ là typ 2. Một người được chẩn đoán ĐTĐ ở tuổi 65 sẽ làm giảm tuổi thọ từ 4-5 năm và có thể tử vong đột ngột gấp 4,5 lần so với người không mắc bệnh ĐTĐ.

ÐTÐ ở NCT khó được chẩn đoán

Để chẩn đoán ĐTĐ sớm ở NCT, đòi hỏi mức cảnh giác cao trước tiên là từ phía thày thuốc. Nhiều người mắc bệnh ĐTĐ, đặc biệt là ở NCT, không có triệu chứng. Ngay ở thời điểm chẩn đoán ĐTĐ, các biến chứng muộn thường đã có mặt nhưng cũng không xuất hiện triệu chứng. Người bệnh đi khám bệnh chỉ với những triệu chứng không đặc hiệu, thậm chí cả thày thuốc và bệnh nhân đều coi rằng đó là biểu hiện của “sự lão hóa bình thường”. Ngoài ra, sự suy giảm trí nhớ của NCT cũng gây khó khăn không nhỏ cho khai thác bệnh sử hoặc tình trạng đa bệnh lý sẽ làm phức tạp hơn cho chẩn đoán và điều trị.

Trong thực tế, nhiều trường hợp ĐTĐ điển hình vẫn có thể bị bỏ sót. Các triệu chứng như sút cân nhẹ và vừa, mệt mỏi… có thể không được nhận thấy và dễ bị bỏ qua. Thậm chí những triệu chứng kinh điển của tăng glucose máu như tiểu nhiều, khát, uống nhiều và ăn nhiều thường được lý giải theo bệnh khác của NCT: đái nhiều lần có thể nhầm là do không nhịn được tiểu vì các vấn đề cơ học của bàng quang theo tuổi tác hoặc do nhiễm trùng tiết niệu.
 
Uống nhiều thường nhẹ hoặc không rõ do tăng ngưỡng của thận với glucose và giảm cơ chế khát với tuổi già. Ăn nhiều khó được nhận thấy vì NCT thường chán ăn khi bị mắc bệnh. Nhiễm trùng, nhất là ở mức độ nhẹ thường không có triệu chứng vì thế không được điều trị…
 
Tất cả những lý do này làm cho người bệnh ĐTĐ cao tuổi thường đến bệnh viện khi bệnh đã ở giai đoạn rất muộn hoặc với những biểu hiện bệnh lý của các biến chứng khác nhau. Những bệnh hay gặp ở NCT mắc ĐTĐ bao gồm viêm đau quanh khớp vai, teo cơ, suy kiệt, tổn thương thần kinh ĐTĐ, bệnh lý về da với phỏng nước nội thượng bì.
 
Một số người bệnh cao tuổi có thể đến bệnh viện với các triệu chứng của các biến chứng mạn tính của ĐTĐ như mất thị lực, bất thường thần kinh ngoại vi, bệnh tim thiếu máu cục bộ, suy tim sung huyết, bệnh mạch máu ngoại vi hoặc bệnh mạch máu não… nhưng ở họ lại không có dấu hiệu tăng glucose máu. Đây là lý do giải thích tại sao tỷ lệ bệnh ĐTĐ không được chẩn đoán ở nhóm tuổi này thường cao.

Ðiều trị bệnh ÐTÐ cho NCT

Nhiều NCT mắc bệnh ÐTÐ typ 2 đáp ứng tốt chỉ với chế độ ăn và luyện tập và không cần dùng thuốc. Tuy nhiên, người bệnh cần phải được kiểm soát huyết áp, rối loạn lipid máu bằng thuốc nếu chế độ ăn và luyện tập không đáp ứng yêu cầu.

Bỏ hút thuốc là điều đầu tiên cần phải nghĩ tới. Với người bệnh béo phì, trước hết cần đạt mục đích giảm cân bằng cách kết hợp chế độ ăn cân bằng, hợp lý về dinh dưỡng, giảm thu nhập các đường đơn và chất béo, kết hợp cùng chế độ tập luyện thường xuyên, đúng kỹ thuật để cải thiện cân nặng cơ thể, tình trạng lipid huyết tương, huyết áp, tăng độ nhạy cảm với insulin và dung nạp glucose của mô đích.
 
Tuy nhiên, trước khi điều trị, người bệnh cần được bác sĩ đánh giá về tình trạng hệ tim mạch, hô hấp và cơ xương… để đưa ra chế độ luyện tập hợp lý. Nhiều NCT mắc bệnh ĐTĐ typ 2 đáp ứng tốt chỉ với chế độ ăn và luyện tập và không cần dùng thuốc. Tuy nhiên, người bệnh cần phải được kiểm soát huyết áp, rối loạn lipid máu bằng thuốc nếu chế độ ăn và luyện tập không đáp ứng yêu cầu.

Với bệnh nhân tăng glucose máu có triệu chứng lâm sàng và mức glucose máu cao tồn tại dai dẳng mặc dù đã tuân thủ chế độ ăn và chương trình luyện tập người bệnh sẽ được điều trị bằng thuốc.

Các sulfonylurea là các thuốc hàng đầu được sử dụng ở những người không béo. Các sulfonylurea tác dụng ngắn được ưa dùng vì người bệnh cao tuổi dễ bị hạ đường huyết. Thuốc cần được bắt đầu bằng liều thấp và tăng dần nếu lượng glucose máu không duy trì được ở mức cho phép. Với người bệnh thừa cân, béo phì, metformin thường là thuốc uống hạ đường huyết hàng đầu được sử dụng hoặc bổ sung vào sulfonylurea để hỗ trợ nhằm làm giảm cân nặng.
 
Metformin bị chống chỉ định khi có tổn thương tim, thận hoặc gan vì nguy cơ nhiễm toan lactic. Các chất ức chế alpha-glucosidase có đặc điểm an toàn; chúng có thể được sử dụng như thuốc hàng đầu, đơn độc hoặc kết hợp với sulfonylurea hoặc metformin và các chất ức chế alpha glucosidase cần được bắt đầu bằng liều thấp và tăng liều dần dần.

Một số thuốc mới gần đây đã được đưa vào sử dụng trong lâm sàng, một số có ít nguy cơ hạ đường máu hơn và đã được chứng minh là đặc biệt có ích ở người bệnh cao tuổi. Các chất kích thích bài tiết insulin như repaglinide có thể thích hợp hơn sulfonylurea đối với người bệnh cao tuổi vì bắt đầu tác dụng nhanh và thời gian kéo dài, do đó giảm nguy cơ hạ đường máu.

Làm thế nào để quản lý được BN ÐTÐ cao tuổi

Quản lý người bệnh ĐTĐ cao tuổi đặt ra những thách thức đặc biệt. NCT thường có nhiều bệnh đồng hành, do đó cần được phát hiện và ưu tiên điều trị theo từng giai đoạn biểu hiện bệnh lý. Tuy nhiên nguồn tài chính hạn hẹp và tâm lý chán nản, rối loạn nhận thức và trầm cảm ở NCT tạo ra những rào cản đối với biện pháp quản lý có hiệu quả. Do đó, việc phổ biến kiến thức là một khâu quan trọng trong quản lý NCT bị ĐTĐ.
 
Những kiến thức về các yếu tố nguy cơ; chế độ dùng thuốc, cách lựa chọn thuốc; hướng dẫn cách tự theo dõi, tự xử lý những cấp cứu ban đầu cho BN là việc làm bắt buộc của thầy thuốc đối với BN. Ngoài ra còn cần phải lôi cuốn gia đình, người thân, những người trực tiếp chăm sóc người bệnh vào cuộc để đạt được mục tiêu điều trị cho người bệnh.

(Nguồn: Sức khỏe& Đời sống)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Thu tục hành chính
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014