Cảnh giác với bệnh liên cầu lợn
Cập nhật: 19/6/2012 | 3:30:03 PM
Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận 20 bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn, đặc biệt chỉ riêng trong tháng 5 có đến năm ca. Trong số này, đa phần là bệnh nhân nặng hoặc bị biến chứng.
Ngày 14/6 vừa rồi, bệnh viện cũng tiếp nhận một bệnh nam ở Hải Phòng nhập viện trong tình trạng nặng, vật vã, loạn thần, có ban hoại tử trên da.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cho biết, bệnh nhân có các biểu hiện bệnh như: sốt, đau đầu, nôn, buồn nôn, tri giác lơ mơ dẫn đến hôn mê (do viêm màng não), sốt cao, nhiễm trùng nặng (do nhiễm trùng huyết). Bên cạnh đó, bệnh nhân có tiền sử nghiện rượu, nên khi bị bệnh cơ thể đột nhiên phải "cai rượu" gây ra tình trạng sản rượu, khiến bệnh nhân vật vã, loạn thần. Hiện tình trạng anh này đã đỡ nhưng vẫn phải nằm viện ít nhất 2 tuần nữa.
Theo bác sĩ Cấp, các ca bệnh nhiễm liên cầu lợn ghi nhận rải rác tất cả các tháng trong năm. Những trường hợp này có thể do ăn thịt lợn bệnh chưa được nấu chín, ăn tiết canh hoặc tiếp xúc với máu, dịch tiết của lợn qua các vết thương ở da, đường hô hấp. Bệnh liên cầu khuẩn lây từ lợn bệnh sang người gồm 3 thể: nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai.
Bệnh nguy hiểm ở chỗ có thể dẫn đến tử vong nếu điều trị muộn. Tỷ lệ tử vong có thể lên tới 7%. Những người bị mắc bệnh chết còn do nhiễm độc tố vi khuẩn, gây hiện tượng sốc. Có người chỉ qua 3 ngày đã bị sốc nhiễm khuẩn, nhưng có người phải 10 ngày mới diễn biến nặng như vậy, tùy vào cơ địa của từng người.
Hơn nữa, ban đầu bệnh thường không có dấu hiệu điển hình ngoài việc sốt cao vì thế dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh khác. Người từng nhiễm liên cầu khuẩn lợn vẫn có thể mắc lại.
Điều đáng lưu ý là một bệnh nhân bị bệnh liên cầu khuẩn lợn thể viêm màng não mủ phải nằm viện điều trị ít nhất là 3 tuần. Còn những người bị nhiễm trùng huyết phải điều trị đến 2 tháng, với chi phí hàng trăm triệu, tùy thuộc di chứng có trầm trọng hay không trầm trọng, bác sĩ Cấp cho biết.
Hiện nay, cả nước có 8 tỉnh: Điện Biên, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Lai Châu, Hòa Bình, Lạng Sơn, Bạc Liêu và Đồng Nai có dịch tai xanh chưa qua 21 ngày. Theo các nghiên cứu y khoa, bệnh tai xanh không lây sang người. Tuy nhiên, bệnh này làm suy giảm miễn dịch, khiến các bệnh khác ở lợn phát triển nhanh, trong đó có liên cầu khuẩn, có thể lây truyền bệnh sang người.
Vì thế, để phòng bệnh, người dân không nên giết mổ lợn ốm, chết, không xử lý sản phẩm sống từ lợn với tay trần, nhất là khi có vết thương ở tay. Rửa tay sạch sau khi chế biến. Không ăn lợn bệnh, thịt lợn sống, tiết canh, nội tạng lợn chưa nấu chín và đặc biệt không ăn thịt lợn ốm, chết. Trong bất cứ trường hợp tiếp xúc với lợn ốm, chăm sóc, nuôi hoặc giết mổ, tiêu hủy thì nên có các phương tiện phòng hộ.
Thời gian ủ bệnh ngắn, chỉ từ vài giờ đến 3 ngày. Khi có biểu hiện sốt cao (40, 41 độ C), xuất hiện các mảng xuất huyết hoại tử dưới da, tiêu chảy, cứng cổ..., có thể khó thở thì người dân nên đến bệnh viện sớm, tránh nguy cơ tử vong.
(Nguồn: vnexpress.net)
- Mỗi trẻ sinh non đều là một chiến binh nhỏ bé - Hãy cùng nhau bảo vệ và chăm sóc các em (22/11/2024)
- Khám sức khỏe định kỳ: phát hiện sớm trầm cảm, rối loạn lo âu ở người cao tuổi (22/11/2024)
- Bệnh sa sút trí tuệ: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh (22/11/2024)
- Tập thể dục cường độ cao có tốt cho người cao tuổi không? (22/11/2024)
- Chăm sóc sức khỏe cho trẻ em (22/11/2024)
- Giải pháp chiến lược trong điều trị bệnh không lây nhiễm (22/11/2024)
- Nhu cầu tiếp nhận báo giá để tham khảo xây dựng giá gói thầu. Để có cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh (22/11/2024)
- Nhu cầu tiếp nhận báo giá để tham khảo, xây dựng giá gói thầu, làm cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu cho gói thầu: Bảo dưỡng máy Sắc ký lỏng khối phổ (LCMS) (22/11/2024)
- Nhiều sai sót trong quy trình tiêm chủng tại 70 Nguyễn Chí Thanh (18/6/2012)
- Trung Quốc rúng động sữa nhiễm thủy ngân (17/6/2012)
- Vào vùng dịch tai xanh (16/6/2012)
- Công bố dịch cúm H5N1 tại Điện Biên Phủ (16/6/2012)
- Chủ động kiềm chế dịch bệnh trên người (16/6/2012)
- Kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tại các địa phương trên địa bàn tỉnh (15/6/2012)
- Brazil: Thử nghiệm thành công vaccin phòng nhiễm ký sinh trùng (15/6/2012)
- Mùa hè, đề phòng bệnh da do tụ cầu (13/6/2012)
- Tìm ra các bí ẩn về ung thư tử cung (13/6/2012)
- Phát hiện bí mật về tế bào kháng virus HIV tự nhiên (12/6/2012)
- Tiêu điểm nóng
- Tin đọc nhiều