Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Phòng, chống sốt xuất huyết - hiệu quả từ sự chủ động

Cập nhật: 25/7/2013 | 2:40:53 PM

Thời điểm này, dịch sốt xuất huyết đang lan rộng tại nhiều tỉnh phía Nam và Tây Nguyên. Với Quảng Ninh, mặc dù số bệnh nhân sốt xuất huyết không nhiều, song theo ông Ninh Văn Chủ, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh thì trên địa bàn luôn có nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết bởi năm nào cũng xuất hiện các ổ dịch nhỏ. Tuy nhiên, nhờ sự chủ động của các đơn vị y tế và sự vào cuộc của người dân mà các ổ dịch được khống chế kịp thời, không lan rộng”.

Nguy cơ mà ông Ninh Văn Chủ nhắc đến phải kể về ổ dịch năm 2011 tại khu chung cư 5 tầng phường Hồng Hà (TP Hạ Long) với 19 ca mắc/tổng số 63 ca bệnh trong năm. Năm 2012, toàn tỉnh cũng có tới 6 ổ dịch với tổng số 126 ca mắc tại xã Hồng Thái Tây (Đông Triều); phường Trần Hưng Đạo, Cao Xanh, Đại Yên (TP Hạ Long); xã Quảng Trung (Hải Hà) và phường Thanh Sơn (TP Uông Bí). Từ đầu năm 2013 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 21 ca mắc, trong đó có 4 vụ dịch nhỏ tại xã Vũ Oai (Hoành Bồ), xã Tiền An, phường Hà An (Quảng Yên) và phường Ninh Dương (Móng Cái). Tuy nhiên, người dân vào cuộc trong công tác phòng chống dịch khá tích cực, kịp thời thông báo cho cơ quan chức năng khi có nghi ngờ; tổ chức thu dọn vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, chủ động phun, diệt muỗi, loăng quăng… Từ đầu năm đến nay, đã có 102/186 xã, phường của tỉnh tổ chức dọn vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm. Nhờ đó, các ổ dịch được khống chế kịp thời, không để lan rộng.

Cán bộ y tế giám sát mật độ muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại các hộ dân phường Trần Hưng Đạo (TP Hạ Long).
Cán bộ y tế giám sát mật độ muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại các hộ dân phường Trần Hưng Đạo (TP Hạ Long).

Về phía các đơn vị y tế đã có sự phối hợp với nhau khá tốt trong công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết. Đơn vị điều trị thông báo kịp thời cho trung tâm y tế những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để từ đó xét nghiệm, xử lý ổ dịch kịp thời nếu có. Chị  Trần Thị Diệp, Thư  ký chương trình Phòng, chống sốt xuất huyết  của tỉnh cho biết: “Sau một thời gian gián đoạn, bắt đầu từ năm 2010, Bộ Y tế tiếp tục cho Quảng Ninh hưởng chương trình Phòng, chống sốt xuất huyết. Nhờ đó, công tác phòng, chống dịch triển khai thuận lợi hơn”. Để đảm bảo phòng, chống dịch hiệu quả, cứ 2 năm một lần, ngành y tế lại luân chuyển các xã điểm thực hiện chương trình. Mỗi năm, toàn tỉnh mở gần 30 lớp tập huấn phòng, chống sốt xuất huyết, kỹ năng giám sát vector, giám sát ca bệnh v.v.. cho cán bộ y tế các tuyến. Riêng từ đầu năm 2013 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được 24 lớp tập huấn, tiến hành xét nghiệm 19 mẫu nghi ngờ sốt xuất huyết. Nhờ đó, các trung tâm y tế tuyến huyện đều đã xây dựng được kế hoạch và báo cáo về chỉ số truyền bệnh sốt xuất huyết tại địa phương. Bên cạnh đó, cán bộ y tế phòng, chống sốt xuất huyết các tuyến còn tổ chức đi giám sát tại các đơn vị điều trị và các xã điểm trên địa bàn. Thông qua đó, ngành kịp thời phun diệt muỗi ở những nơi có số muỗi nhiều hoặc ở những nơi xảy ra ổ dịch.

Ngoài ra, các đơn vị y tế còn đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền phòng, chống sốt xuất huyết trong cộng đồng dân cư, nhất là dịp Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết 15-6 hàng năm. Từ đầu năm 2013 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức gần 3.300 lượt phát thanh, 109 buổi tuyên truyền lồng ghép về phòng, chống sốt xuất huyết; phát trên 4.000 tờ rơi tuyên truyền; 9/14 địa phương tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết với hơn 500 người tham dự… Tại các xã điểm về phòng, chống sốt xuất huyết đều có cộng tác viên của chương trình ở các thôn, khu. Đội ngũ này thường xuyên đến các hộ dân để tuyên truyền,vận động người dân ăn ở hợp vệ sinh, che đậy dụng cụ chứa nước để phòng muỗi đẻ trứng…

Chính nhờ sự chủ động tích cực của các đơn vị y tế và người dân nên công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh có hiệu quả tốt. Dù có các ổ dịch song đã được khống chế, xử lý kịp thời, không để lan rộng. Tuy nhiên, ông Ninh Văn Chủ, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh vẫn khuyến cáo: “Hiện nay, loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết không tập trung ở khu vực rừng núi, vùng sâu, vùng xa như trước đây mà tập trung nhiều ở khu vực thành thị. Loại muỗi này thường đẻ trứng trong nước sạch; có nhiều người bị sốt xuất huyết, song không có dấu hiệu nổi các nốt bầm đỏ, tím trên da… Người dân cần chủ động phòng, chống bệnh với phương châm “Không có bọ gậy, không có sốt xuất huyết”. Khi có dấu hiệu sốt bất thường, đau người, nhiều người sốt tại một nơi, bà con cần báo và đến các cơ sở y tế để khám bệnh ngay”.

(Nguồn: Thu Nguyệt - Báo Quảng Ninh)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014