Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Rối loạn tim mạch do bệnh sốt rét

Cập nhật: 18/7/2012 | 10:52:16 AM

Sốt rét là một bệnh toàn thân, vì vậy khi bị mắc bệnh, các bộ phận và cơ quan trong cơ thể đều có thể bị ảnh hưởng, gây nên những rối loạn và tạo ra các hậu quả biến chứng. Tim mạch cũng bị tác động ảnh hưởng do bệnh sốt rét, nhất là khi bị sốt rét ác tính.

Sốt rét thể thông thường

Tim hơi to, màng trên tim mất đi độ sắc bóng. Các mạch máu nhỏ và mao mạch ở tim bị giãn rộng ra, ứ đọng những hồng cầu bị nhiễm ký sinh trùng sốt rét, kể cả những hồng cầu không bị nhiễm ký sinh trùng. Thành mạch máu thiếu oxygen nên mất liên kết để cho hồng cầu thoát mạch gây nên hiện tượng chảy máu nhỏ, huyết tương cũng thoát ra qua khe cơ tim làm tách các sợi cơ tim làm cho cơ tim bị phù nhẹ.

Ngoài ra còn phát hiện dấu hiệu phản ứng viêm cơ tim với sự xuất hiện của bạch cầu đơn nhân, mô bào... và trở thành đại thực bào chứa sắc tố sốt rét. Tế bào cơ tim bị thoái hóa với mức độ từ nhẹ đến nặng, mất đi các vân sáng tối và dần dần bị teo lại do dịch phù nề chèn ép; tế bào cơ tim có thể bị hoại tử và tạo thành các ổ nhồi máu nhỏ.

 Tổn thương cơ tim do sốt rét ác tính.

Sốt rét ác tính

Các mạch máu nhỏ trong cơ tim bị sung huyết. Những mao mạch hầu như bị bít tắc bởi hồng cầu bị nhiễm ký sinh trùng sốt rét hay không bị nhiễm ký sinh trùng. Khe ở giữa các sợi cơ tim bị giãn ra do dịch phù nề, hồng cầu thoát mạch. Quan sát thấy có chấm chảy máu nhỏ dưới màng trên tim, màng trong tim và cơ tim. Cạnh các sợi cơ tim thấy những đại thực bào một nhân chứa sắc tố sốt rét. Tình trạng viêm cơ tim trở nên nặng dần. Tế bào cơ tim thiếu oxygen nên bị thoái hóa làm đứt tơ cơ, ty lạp thể trương to, mất mào, xuất hiện các giọt lipide ti ti trong sợi cơ tim, xóa cấu trúc băng A và I khi quan sát bằng kính hiển vi điện tử. Sợi cơ tim càng thiếu sự nuôi dưỡng nên bị thoái hóa và teo đét. Tim giảm đi cường tính và giãn ra.

Trong sốt rét ác tính, có 3 dạng tim mạch bị rối loạn là huyết áp thường hơi giảm, bị suy tuần hoàn cấp tính - choáng và biến chứng ở cơ tim.

- Huyết áp thường hơi giảm do nguyên nhân chủ yếu là bị thiếu hụt thể tích máu lưu hành trong cơ thể người bệnh. Theo một số nhà khoa học, tình trạng huyết áp hơi giảm gây nên sự thiểu niệu ở 55% bệnh nhân và giảm áp lực tĩnh mạch trung tâm ở 75% bệnh nhân bị sốt rét ác tính nhập viện. Huyết áp bị tụt tư thế cũng xảy ra ở 53% bệnh nhân.

- Sự suy tuần hoàn cấp và choáng theo các nhà nghiên cứu là một biến chứng nguy kịch thường xuất hiện sớm, chiếm tỷ lệ trung bình từ 2 - 8% các trường hợp sốt rét ác tính. Biểu hiện lâm sàng bị tụt huyết áp được ghi nhận ở người lớn dưới 80mmHg và trẻ em dưới 50mmHg; mạch nhanh, nhỏ; da đầu chi lạnh, tím tái; áp lực tĩnh mạch trung tâm không tụt, đi tiểu ít; nhiệt độ có thể tăng cao đến 30-40oC thường gọi là choáng có sốt cao hoặc bị tụt xuống dưới mức bình thường còn được gọi là thể giá lạnh. Hội chứng choáng hay đi kèm với hội chứng rối loạn tiêu hóa và được giải thích theo giả thuyết do hồng cầu bị nhiễm ký sinh trùng sốt rét kết dính trong mao mạch các nhung mao của ruột gây tổn thương thiếu máu hoại tử biểu mô và hấp thu thụ động các nội độc tố ở ruột. Những nội độc tố này kích hoạt đại thực bào phóng thích ra chất TNF (tumor necrosis factor) và một số cytokines khác gây ra tình trạng choáng.
 
 Chất TNF do đại thực bào tiết ra gây choáng do sốt rét.
Đây là một tình trạng choáng nhiễm trùng nhiễm độc từ một bệnh ký sinh trùng cũng như choáng do những bệnh nhiễm virut hoặc vi khuẩn khác. Ở đây cần phân biệt với tình trạng choáng trên bệnh nhân sốt rét ác tính do xuất huyết phủ tạng hoặc do nhiễm khuẩn gram (-) lây lan bội nhiễm tại bệnh viện từ những dụng cụ, thiết bị thực hiện các thủ thuật thăm dò, ống dẫn lưu, ống thông... không có liên quan gì đến bệnh sốt rét.

- Biến chứng tổn thương cơ tim cũng có thể xảy ra nhưng rất hiếm. Mặc dù hồng cầu bị nhiễm ký sinh trùng sốt rét kết dính trong các mao mạch cơ tim nhưng biểu hiện thiếu oxygen cơ tim gây tụt huyết áp hoặc rối loạn nhịp tim ít gặp. Chức năng cơ tim thường duy trì tốt, phân số tống máu EF (ejection fraction) và chỉ số tim IC (index cardiaque) vẫn bình thường. Phân số tống máu thường dưới 50% và chỉ số tim thường dưới 5 l/phút/m2. Chỉ số tim có thể giảm thứ phát sau nhiễm toan chuyển hóa, thiếu oxygen tổ chức. Các nhà khoa học đã nghiên cứu ở các súc vật thực nghiệm ghi nhận tình trạng giảm cung cấp máu cho các phủ tạng có thể được phục hồi ở một số trường hợp bởi tác dụng của thuốc ức chế alpha đã phản ánh hiện tượng tắc nghẽn mao mạch ở phủ tạng.

Khi bị mắc bệnh sốt rét dù sốt rét thể thông thường hay sốt rét ác tính, người bệnh có thể bị rối loạn tim mạch và tình trạng choáng có khả năng xảy ra. Vì vậy trên lâm sàng, các cơ sở y tế cần chú ý đến vấn đề này để theo dõi, phát hiện và xử trí kịp thời những biến chứng do rối loạn tim mạch - choáng trên những bệnh nhân sốt rét; góp phần điều trị bệnh có hiệu quả.   

(Nguồn: suckhoedoisong.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Thu tục hành chính
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014