Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Hiệu quả, thiết thực trong dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con

Cập nhật: 24/6/2019 | 7:15:08 PM

Chương trình điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực. Những phụ nữ mang thai nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh được tư vấn, chăm sóc và điều trị dự phòng kịp thời, giúp giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con. Từ đó, rất nhiều trẻ được sinh ra an toàn không mắc HIV/AIDS.

Tại Việt Nam, theo số liệu giám sát trọng điểm, tỷ lệ nhiễm HIV ở phụ nữ mang thai là 0,4%. Với số trẻ sinh ra hàng năm là 1,5 triệu đến 2 triệu thì mỗi năm có khoảng 6000 trẻ sinh ra có phơi nhiễm với HIV. Tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con nếu không được điều trị chiếm khoảng 30-35%. Nếu được điều trị đầy đủ, tỷ lệ này giảm xuống còn từ 2 đến 5%. Chính vì vậy, việc xét nghiệm HIV trong thời kỳ mang thai là vô cùng quan trọng để có biện pháp dự phòng, can thiệp kịp thời nhằm giảm thiểu tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Cán bộ Y tế Trạm Y tế phường Trưng Vương, thành phố Uông Bí tư vấn cho phụ nữ mang thai đi xét nghiệm HIV

Bác sĩ Đỗ Duy Long, Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cho biết: HIV lây truyền HIV từ mẹ sang con qua ba thời kỳ: mang thai, khi sinh và cho con bú. 
Khi mang thai: HIV từ máu của mẹ nhiễm HIV qua rau thai để vào cơ thể thai nhi. Sự lây truyền HIV trong thời kỳ mang thai có thể xảy ra sớm ngay khi thai nhi mới được 8 tuần tuổi và có thể kéo dài trong suốt thai kỳ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nhận thấy tỷ lệ lây truyền HIV qua rau thai tương đối cao vào thời kỳ tuổi thai được trên 18 tuần. Khoảng 20-30% số trẻ em bị lây truyền HIV từ mẹ được cho là lây truyền qua bánh rau. Tuy nhiên, tỷ lệ này có thể tăng lên, hay nói cách khác, nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con qua bánh rau sang thai nhi tăng lên nếu tuổi của mẹ tăng hoặc khi mang thai rồi mẹ mới bị nhiễm HIV. Vì khi đó, nồng độ HIV trong máu rất cao. Tương tự như vậy, người mẹ bị nhiễm HIV ở giai đoạn muộn, tức là đã ở giai đoạn AIDS mới mang thai thì nguy cơ này càng tăng cao.
Khi sinh: HIV từ mẹ sang con thường xảy ra muộn vào thời kỳ chuyển dạ, hoặc khi đứa trẻ sinh ra qua đường sinh dục của mẹ để ra ngoài, khi trẻ đã tiếp xúc trực tiếp với dịch âm đạo hoặc máu của mẹ hoặc do sự trao đổi máu mẹ - thai nhi khi chuyển dạ. HIV từ nước ối, dịch tử cung, dịch âm đạo của mẹ xâm nhập vào đứa trẻ. Khi sinh HIV cũng có thể từ trong máu mẹ xâm nhập qua các vết loét ở cơ quan sinh dục mẹ mà dính vào cơ thể của trẻ sơ sinh. Người ta cũng cho rằng các cơn co tử cung mạnh cũng có thể đẩy HIV từ máu mẹ vào tuần hoàn của thai nhi. Khoảng 50-60% số trẻ em bị lây nhiễm từ mẹ được cho là bị lây truyền trong khi sinh. Đối với những trường hợp đẻ khó, chuyển dạ kéo dài, thai bị xây xước, sang chấn thì nguy cơ lây nhiễm HIV của trẻ tăng lên. Vỡ ối sớm cũng là một nguyên nhân làm tăng nguy cơ này. Thời gian từ khi vỡ ối đến khi sinh càng dài thì nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con càng tăng lên, nhất là khi thời gian này kéo dài trên 4 giờ. Kết quả phân tích nhiều nghiên cứu của nhóm HIV chu sinh quốc tế cho thấy cứ mỗi giờ sau khi vỡ ối, nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con tăng thêm 2%.
Khi cho con bú: Cho dù với nồng độ không cao nhưng HIV cũng có trong sữa mẹ nên nó có thể lây nhiễm cho trẻ khi chúng bú sữa người mẹ nhiễm HIV. Khi trẻ bú mẹ, HIV từ sữa mẹ có thể xâm nhập qua niêm mạc miệng, lưỡi, lợi của đứa trẻ và lây nhiễm cho trẻ này, nhất là trong trường hợp trẻ có các viêm nhiễm trong khoang miệng. Hoặc trong trường hợp vú mẹ có viêm nhiễm, có vết nứt hay khi trẻ mọc răng cắn gây chảy máu thì HIV còn có thể theo máu vào miệng trẻ, xâm nhập qua niêm mạc trong khoang miệng và gây nhiễm HIV cho trẻ. Khoảng 20-30% số trẻ em bị nhiễm HIV từ mẹ được cho là bị lây qua bú sữa mẹ, tùy thuộc vào thời gian và cách nuôi con bằng sữa mẹ.
Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được triển khai tại Quảng Ninh từ năm 2004. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh thực hiện tư vấn, xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai trong quá trình quản lý thai nghén tại tất cả các xã, phường trên địa bàn tỉnh. Phụ nữ mang thai nhiễm HIV sẽ được tư vấn, chuyển tiếp đến các cơ sở chăm sóc điều trị để được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Các bé sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được dùng thuốc điều trị dự phòng, được hỗ trợ sữa ăn thay thế, được thực hiện các xét nghiệm để phục vụ chẩn đoán và điều trị HIV/AIDS. 
Trong năm 2018, số lượt phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV: 44.606 người; Số phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị trong kỳ báo cáo là: 67 người (trong đó có 50 người đã và đang điều trị ARV trước khi mang thai, 08 người bắt đầu điều trị ARV trong thời kỳ mang thai, 07 người điều trị trong khi chuyển dạ đẻ); Số trẻ đẻ sống sinh ra từ mẹ nhiễm HIV là 56; Số trẻ được điều trị dự phòng lây truyền HIV là 56 trẻ.
Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là chương trình được ưu tiên và đầu tư nguồn kinh phí rất lớn, song vẫn chưa đạt được chỉ tiêu như mong muốn: Tỷ lệ trẻ em nhiễm HIV được điều trị ARV năm 2018 là 100%. Mặc dù chương trình truyền thông được triển khai rộng rãi, nhưng vẫn còn phụ nữ mang thai nhiễm HIV không điều trị, vẫn còn các bà mẹ nhiễm HIV tự kỳ thị bản thân, không tự thân và cho con tham gia điều trị; mạng lưới cán bộ y tế được đào tạo tập huấn tại các tuyến có sự thay đổ, nên nhiều cán bộ mới chưa cập nhật được các hoạt động của chương trình, vì vậy hiệu quả công tác tư vấn chưa cao.

Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Thị Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh cho biết: “Tháng cao điểm dự phòng HIV từ mẹ sang con diễn ra từ ngày 01 đến 30 tháng 6 hàng năm nhằm thúc đẩy sự tham gia của hệ thống chính trị và toàn dân nhằm đạt mục tiêu giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống 2% đã được đề ra trong chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 tầm nhìn 2030. Điều quan trọng nhất trong chương trình dự phòng lây truyền từ mẹ sang con là giúp người phụ nữ hiểu được các yếu tố nguy cơ và đường lây truyền HIV, để giúp cho họ tự bảo vệ mình và tránh lây truyền HIV từ mẹ sang con. Chủ đề của tháng cao điểm lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2019 với thông điệp “Mẹ không có HIV- Con không nhiễm HIV” nhằm truyền tải tới tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, những phụ nữ mang thai mà nhiễm HIV thì cần được xét nghiệm, dự phòng và điều trị phù hợp, giúp những đứa trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV không bị nhiễm HIV.

Cán bộ Khoa Phòng, chống HIV/AIDS  Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tuyên truyền phòng tránh HIV từ mẹ sang con cho chị em phụ nữ phường Trưng Vương, thành phố Uông Bí

Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục phối hợp với các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh hoạt động truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS, tập trung về vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; trong đó chú trọng tư vấn cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ về sức khoẻ sinh sản, cách phòng tránh HIV; đẩy mạnh công tác truyền thông lồng ghép với tư vấn cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai. Các đơn vị tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý, theo dõi và chăm sóc phụ nữ mang thai nhiễm HIV tại xã, phường; giới thiệu hoặc chuyển gửi họ đến các phòng khám ngoại trú để được điều trị ARV và các dịch vụ y tế khác khi cần thiết,... nhằm góp phần giảm thiểu lây truyền HIV từ mẹ sang con trên địa bàn tỉnh. 

(Nguồn: Minh Khương)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014