Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Phòng ngừa từ xa tai nạn ngày tết

Cập nhật: 3/2/2013 | 8:16:25 PM

Những ngày tết, trong khi mọi người được nghỉ ngơi, giải trí và ăn uống thoải mái, thì các bác sĩ, y tá của các khoa cấp cứu, ngoại, trung tâm chống độc vẫn phải trực 24/24 để đối phó với những ca ngộ độc thực phẩm, ngộ độc rượu bia, tai nạn chấn thương, chưa kể bệnh tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả vẫn rình rập hay bệnh cúm gia cầm (H5N1), bệnh heo tai xanh... Vì thế, dự phòng và điều trị ngộ độc cấp do thực phẩm và rượu bia là cần thiết để có một cái tết trọn vẹn.

Hội tụ bao yếu tố nguy cơ

Tết là dịp sum họp, cũng là thời điểm hội tụ đủ loại nguy cơ (ảnh chỉ mang tính minh hoạ). Ảnh: Hồng Thái

Tết là thời gian “hội tụ” nhiều yếu tố nguy cơ. Việc mua và dự trữ quá nhiều thực phẩm (thịt giò, chả, nem, các loại thuỷ hải sản, các loại bánh kẹo, mứt) gây khó khăn trong việc bảo quản sử dụng, đặc biệt với các thực phẩm chế biến sẵn.

Do ăn nhiều loại thực phẩm, uống nhiều loại rượu, bia trong một ngày, dễ gây mất cân bằng dinh dưỡng: thịt và mỡ quá nhiều, dạ dày, tuỵ gan luôn phải làm việc quá sức, tiết nhiều enzyme để tiêu hoá và chuyển hoá thức ăn sẽ gây ra đầy bụng hay viêm tuỵ cấp, gan nhiễm mỡ; đường, tinh bột quá nhiều có thể gây rối loạn tiêu hoá như tiêu chảy, tăng đường máu; lượng ethanol cao trong máu do uống nhiều rượu, bia tuỳ nồng độ mà gây ngộ độc, hôn mê, đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim, chấn thương, hạ thân nhiệt, suy hô hấp có thể tử vong.

Nếu sử dụng phải thực phẩm không được kiểm soát, không đảm bảo vệ sinh, rượu giả... thì có thể nhiễm khuẩn, ngộ độc thực phẩm.

Các tác nhân gây ngộ độc

Do hoá chất bảo vệ thực vật tồn dư trong rau quả (phốtpho hữu cơ, clo hữu cơ), chất phụ gia ngoài danh mục cho phép, phẩm màu không rõ nguồn gốc, hàn the trong giò, chả...

Do nhiễm khuẩn E. coli, Staphylococcus aureus, clostridium ferfringens, Bacilus cereus, campylobacter jejuni, salmonella... trong thức ăn lưu trữ lâu, bảo quản không đủ độ lạnh, để quá hạn, quá trình chế biến và bảo quản thực phẩm không sạch, nấu chưa chín, nấu lại nhiều lần... Người bệnh khi bị ngộ độc thường biểu hiện bằng hội chứng viêm dạ dày ruột xâm lấn: đau quặn bụng đi ngoài nhiều lần, phân có máu, nôn mửa, sốt, mệt do thiếu dịch và điện giải. Nguy hiểm hơn cả là phẩy khuẩn tả (Vibrio cholerae) nhóm huyết thanh O1 là tác nhân gây bệnh lan truyền thành dịch mà ở nước ta vừa trải qua.

Cũng cần nhắc tới nguy cơ nhiễm khuẩn cúm H5N1 từ gia cầm, bởi thịt gà và gia cầm thường được nhập vô tội vạ trong dịp tết.

Do rượu bia, vốn luôn có mặt trong các bữa ăn, bữa nhậu ngày tết. Rất nhiều loại rượu có nhãn mác nước ngoài rất khó kiểm soát thật giả, chất lượng cũng khó biết, chưa kể các loại rượu do dân tự nấu không đảm bảo vệ sinh, rất dễ gây ngộ độc. Ngộ độc rượu không chỉ gây hại cho sức khoẻ mà có thể gây tử vong: bệnh nhân hôn mê sâu, hạ đường huyết, tai biến mạch não, nhồi máu cơ tim và xa hơn là tàn phá dần gan của người quen uống rượu. Ngộ độc rượu có methanol (pha từ cồn công nghiệp) thì cực kỳ nguy hiểm, nếu cứu sống được người bệnh cũng có thể mù suốt đời vì biến chứng.

Các triệu chứng ngộ độc thực phẩm

Các triệu chứng cấp tính của ngộ độc thực phẩm xảy ra ngay sau khi ăn 30 phút, chậm hơn là 6 – 10 giờ, thậm chí hai đến ba ngày sau mới xuất hiện triệu chứng tuỳ thuộc vào mỗi tác nhân gây ngộ độc. Các độc tố, độc chất có trong thực phẩm thì triệu chứng xuất hiện sớm hơn; với vi khuẩn, độc tố, nấm thì triệu chứng xuất hiện muộn hơn. Nhưng dù sớm, dù muộn các triệu chứng thường có là: nôn, buồn nôn, đầy bụng, đau bụng, tiêu chảy hay tiêu ra máu; khát nước, tiểu ít, mệt lả, yếu cơ, sốt hay không sốt; biểu hiện thần kinh cơ (do các độc tố, nội độc tố vi khuẩn, yếu cơ, liệt cơ, lơ mơ, co giật, hôn mê, suy hô hấp); biểu hiện tuần hoàn: mạch nhanh, rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp; biểu hiện suy gan, suy thận; vàng da, vàng mắt, nước tiểu sậm màu, đau vùng gan, tiểu ít hay vô niệu; rối loạn chức năng gan và thận trên xét nghiệm.

Biện pháp dự phòng

Không nên ăn quá no, uống quá nhiều trong một bữa và trong cả ngày. Không nên chế biến nhiều thực phẩm, để tủ lạnh lâu và nấu lại nhiều lần. Không nên ăn nhiều thịt, thực phẩm rán, chiên nhiều mỡ dầu, hạn chế thực phẩm có đường ngọt. Không uống nhiều loại nước ngọt, hạn chế tối đa uống rượu và bia. Thức ăn cần nấu chín, hạn chế rau sống. Tránh lạnh, ăn ngủ điều độ.

GS.TS.BS NGUYỄN THỊ DỤ

Cẩn thận khi dọn nhà đón tết

ThS.BS Nguyễn Thị Phương Lan, phó trưởng khoa cấp cứu bệnh viện cấp cứu Trưng Vương, TP.HCM cho biết vào những ngày gần tết, số người cấp cứu thường tăng cao do người dân sơ ý trong lúc dọn dẹp nhà cửa, vườn tược; làm việc quá sức, không cẩn thận. Một số tai nạn thường gặp nhất là:

Bị côn trùng cắn (kiến, gián, nhện, ong…) không chỉ những loài có độc như nhện, ong mới nguy hiểm mà những côn trùng tưởng chừng vô hại như kiến cũng có thể gây dị ứng với nhiều mức độ từ ngứa, đỏ da, sưng cho đến dị ứng toàn thân, sốc phản vệ, đe doạ đến tính mạng.

Bong gân, rách da: khi rửa nhà với xà phòng không nên mang giày cao hay dép trơn, có thể trượt té, bong gân...

Đau lưng sau khi bưng vật nặng: thường do bưng bê chậu mai, tivi, tủ, bàn… sai tư thế. Tránh động tác khom lưng, luôn thẳng lưng khi nhấc chậu. Với chậu mai lớn, phải nhờ nhiều người khiêng.

Gãy xương tay chân: thường do sơ ý trong lúc dọn dẹp hoặc ghế, thang bị gãy, bám tay hay vịn chân vào những chỗ không chắc chắn, bưng vật quá nặng hay vật rơi trúng chân...

Để phòng ngừa, trước khi dọn dẹp nhà cửa, vườn tược, có thể bôi thuốc chống côn trùng khắp cơ thể. Nếu phải phát quang bụi rậm ngoài vườn, cần mặc quần áo dài tay, đeo găng, khẩu trang, đi giày… Cách bưng vật nặng đúng: ôm chắc đồ vật bằng hai tay, nhấc lên trong tư thế thẳng lưng, giữ đồ vật sát vào bụng, ở mức ngang ngực – thắt lưng, sau đó di chuyển với cột sống thẳng. Khi bị côn trùng cắn, cần xử lý càng sớm càng tốt. Nếu để quá sáu giờ sau khi bị cắn, dù có độc hay không thì nguy cơ nhiễm khuẩn vẫn rất cao, nhất là những người cao tuổi và suy giảm miễn dịch. Khi có vết thương ngoài da, nếu vết thương nhỏ thì rửa sạch bằng xà phòng và nước ấm. Lấy hết dị vật như đất cát bám trên vết thương. Dùng oxy già hay thuốc sát khuẩn betadine pha loãng rửa vết thương. Sau đó thấm khô vết thương bằng gạc vô khuẩn và băng lại. Nếu vết thương lớn, băng ép lại rồi đi khám bác sĩ ngay…


(Nguồn: sgtt.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Thu tục hành chính
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014